Trong dạy học online, một trong những điều mong đợi của giáo viên là học sinh tham gia thảo luận sôi nổi khi làm việc chung cả lớp hay thảo luận riêng nhóm nhỏ. Tuy nhiên, bạn nhận ra rằng cho dù là học sinh năng động nhất của lớp bạn cũng trở nên trầm lặng trong lúc thảo luận nhóm. Các nhà thực hành giáo dục cho rằng việc đưa ra hướng dẫn rõ ràng và cụ thể là chìa khoá để thúc đẩy học sinh làm việc nhóm một cách hiệu quả.
1. Đưa ra các hướng dẫn rõ ràng và làm mẫu cho học sinh
Đưa ra các hướng dẫn, yêu cầu rõ ràng để học sinh hiểu rõ mong đợi của giáo viên.
Nội dung của hoạt động thảo luận phải “khớp” với mục tiêu của bài học, khoá học.
Nêu rõ mong đợi kết quả của hoạt động thảo luận là gì? Ví dụ: Trả lời 03 câu hỏi mà giáo viên đưa ra, đưa ra quan điểm đối lập, đính kèm link trích dẫn nguồn tham khảo, …
Đưa ra ví dụ cụ thể cho kết quả thảo luận nào là đạt yêu cầu và chưa đạt yêu cầu.
Giáo viên không nên cảm thấy ái ngại khi lập lại lời hướng dẫn nhiều lần. Mỗi lần có hoạt động liên quan, giáo viên sẽ nhắc lại hướng dẫn hoặc làm mẫu để minh hoạ. Ví dụ: Khi bạn yêu cầu học sinh nộp bài tập về nhà vào google drive của lớp, bạn sẽ share màn hình để hướng dẫn học sinh cách tải file từ máy tính lên drive như thế nào.
2. Vai trò của giáo viên trong hoạt động thảo luận nhóm
Trước khi bắt đầu hoạt động thảo luận nhóm:
Giáo viên hãy đưa ra một số quy ước với học sinh. Giáo viên mong đợi nội dung học sinh sẽ nộp lại qua padlet, Jamboard,… là ngôn ngữ trang trọng hay như thế nào? Giáo viên nên mô tả và đưa ra ví dụ về phong cách mà giáo viên mong đợi học sinh làm theo. Giáo viên có thể muốn thiết lập các quy tắc cơ bản về ngôn ngữ và hành vi được chấp nhận và yêu cầu tất cả những người tham gia xác nhận đồng ý với quy ước (ví dụ giáo viên có thể cho học sinh kí “hợp đồng” làm việc nhóm).
Trong quá trình thảo luận:
Giáo viên hãy đặt câu hỏi thăm dò học sinh. Những câu hỏi hiệu quả là chìa khóa để bắt đầu và duy trì cuộc thảo luận. Giáo viên thúc đẩy học sinh thảo luận bằng cách yêu cầu học sinh làm rõ vấn đề hoặc đưa ra bằng chứng để hỗ trợ cho một luận điểm, đặt ra một vấn đề hoặc tình huống hoặc đóng vai người phản biện ý kiến của học sinh. Giáo viên cũng có thể hướng dẫn học sinh và khuyến khích họ phản hồi các bài đăng khác tương tự với bài đăng của chính họ hoặc các bài đăng có sự khác biệt lớn
Giải quyết các hành vi chưa đúng của học sinh ngay khi vừa xuất hiện. Một môi trường học tập trực tuyến có thể trở nên tiêu cực nếu không giải quyết các tình huống, hành vi chưa đúng. Giáo viên có thể tham khảo xem những quy tắc nào nên được thiết lập ngay từ đầu.
Giáo viên hãy suy nghĩ trước về cách bạn sẽ giải quyết các hành vi không đúng và truyền đạt cho học sinh rằng bạn sẽ làm như vậy nếu xảy ra tình huống đó. Ví dụ, GV sẽ xóa các nhận xét không phù hợp của học sinh dành cho nhau trên Padlet.
Giáo viên hãy để ý những bình luận, ý kiến của học sinh “đặc biệt” (Học sinh có tính cách hơi trầm lạnh hoặc học sinh có hoàn cảnh gia đình đặc biệt). Đôi khi nhận xét hoặc câu hỏi của học sinh nhận được rất ít hoặc không nhận được phản hồi từ các học sinh khác. Điều này khiến các em học sinh “đặc biệt” chán nản và bỏ cuộc thảo luận. Nếu giáo viên nhận ra điều này, hãy khuyến khích học sinh trả lời, phản hồi các nhận xét, ý kiến của học sinh “đặc biệt”. Khi những học sinh bình thường hay im lặng chủ động tham gia, giáo viên hãy thể hiện sự chào đón và ủng hộ cho học sinh.
Vào cuối cuộc thảo luận:
Giáo viên tổng hợp và tóm tắt lại nội dung của buổi thảo luận. Để tránh cuộc thảo luận đi lạc hướng, từ ban đầu, giáo viên nên đưa ra các câu hỏi mà để trả lời câu hỏi này đòi hỏi học sinh tổng hợp và tóm tắt thông tin đã thảo luận. Giáo viên cũng có thể phân công học sinh đóng vai trò là điều phối trong nhóm.
3. Lợi ích của thảo luận nhóm nhỏ
Trong lớp học online, giáo viên không thể mong đợi tất cả các thành viên trong lớp cho ý kiến trong một cuộc thảo luận cả lớp vì thế giáo viên nên chia học sinh thành các nhóm nhỏ để học sinh thảo luận.
Lợi ích của việc chia nhỏ lớp để thảo luận là giúp học sinh cảm thấy ít áp lực hơn khi bị cả lớp đánh giá, cho nhiều học sinh cơ hội thể hiện ý tưởng của mình và giúp học sinh làm thân với các bạn học sinh khác trong lớp tốt hơn.
Giáo viên cũng nên phân công vai trò cho học sinh trong nhóm. Các vai trò có thể được điều chỉnh để phù hợp với nội dung bài học. Các vai trò có thể bao gồm trưởng nhóm, người phản biện ý kiến, nhà nghiên cứu, người tóm tắt, người minh họa, v.v.
4. Thêm cột điểm cho hoạt động trả lời câu hỏi trong lớp học
Để khuyến khích học sinh đưa ra các câu trả lời có chiều sâu và đưa ra các phản hồi cho bạn bè cho trong lớp bằng rubric đánh giá.
Một rubric tốt là rubric nêu rõ được kỳ vọng của GV dành cho HS, cho phép học sinh tự đánh giá câu trả lời của mình, giúp họ tự tin hơn vào câu trả lời của mình và có thể đánh giá các câu trả lời của bạn trong lớp một cách khách quan.
Cho dù bạn dạy online hay offline thì việc đưa ra các hướng dẫn rõ ràng, chi tiết hoặc tạo ra các động lực bên ngoài (như điểm số) là yếu tố quan trọng giúp học sinh làm việc nhóm hiệu quả hơn. Nhưng trong điều kiện dạy học online thì việc thảo luận nhóm “có vẻ như” trở nên khó khăn hơn đối với HS. Lúc ban đầu khi thực hiện theo các hướng dẫn trên, giáo viên có thể cảm thấy mất thời gian (ví dụ việc đưa ra hướng dẫn chi tiết, làm mẫu hay lập đi lập lại các hướng dẫn) tuy nhiên việc đưa ra các hướng dẫn chi tiết và cụ thể là điều cực kì quan trọng nếu bạn muốn các hoạt động trong lớp diễn ra một cách thuận lợi và đạt được hiệu quả.
Nguồn tham khảo:
1. https://ccs.instructure.com/courses/1181412/pages/5-approaches-for-enhancing-online-discussions
2. https://www.wbtsystems.com/learning-hub/blogs/increase-student-participation-online-discussions