Bỏ việc lương cao để phát triển giáo dục cho trẻ em nghèo

Báo Người Lao Động

(NLĐO) – Dù đang làm việc với mức lương hơn 5.000 USD/tháng nhưng một thạc sĩ Trường ĐH Harvard quê tỉnh Bình Định đã từ bỏ để gầy dựng dự án giáo dục phi lợi nhuận cho trẻ em nghèo.

Đó là anh Huỳnh Hạnh Phúc (30 tuổi), Giám đốc Teach For Vietnam (TFV) – một dự án giáo dục phi lợi nhuận, có trụ sở văn phòng tại TP HCM.

Quyết vào ĐH Harvard sau khi… xem phim.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề giáo nên từ nhỏ anh Huỳnh Hạnh Phúc được quan tâm chu đáo chuyện học hành. Sau 12 năm liên tục với thành tích học sinh giỏi, anh dễ dàng thi đỗ vào Trường ĐH Quốc gia TP HCM với số điểm khá cao. Năm 2009, sau khi tốt nghiệp ĐH ngành quản trị kinh doanh trường này, anh được nhận vào làm kế toán cho Intel Việt Nam qua nhiều đợt phỏng vấn khắt khe.Được làm việc cho một doanh nghiệp lớn như Intel Việt Nam với thu nhập cao hàng nghìn USD/tháng là ước mơ của nhiều bạn trẻ, nhưng chỉ sau một năm anh Phúc lại xin nghỉ việc để làm tình nguyện viên chương trình Phẫu thuật nụ cười Việt Nam. Ngoài thời gian làm việc, anh cùng bạn bè lập nhóm tự ôn các chứng chỉ với mục đích xin học bổng du học.

Sau một năm lấy được các chứng chỉ cần thiết, anh Phúc nộp hồ sơ Trường ĐH Missouri (Mỹ) và được cấp học bổng thạc sĩ quản trị kinh doanh. Khi gần kết thúc khóa học, trong lúc lang thang trên mạng internet tìm tài liệu, anh tình cờ đọc được thông tin tuyển sinh của Trường ĐH Harvard. “Đọc thông tin xong, tôi cũng chưa có ý định nộp hồ sơ vào Trường ĐH Harvard. Thế nhưng sau khi xem một bộ phim mang tên “Chuyện tình Harvard” của Hàn Quốc, trong đó chương trình mà 2 nhân vật chính trong phim đang học tại ĐH Harvard có hỗ trợ tích cực cho người nghèo và cộng đồng nên tôi quyết định nộp hồ sơ trước 2 tuần hết hạn. Cũng như ở ĐH Missouri, lần này tôi lại may mắn được nhận học bổng toàn phần thạc sĩ Chính sách công ở ĐH Harvard”, anh Phúc nhớ lại.

Vì trẻ em nghèo

Năm 2015, trở về nước sau 4 năm du học Mỹ, anh Phúc được mời làm quản lý tại Grab ở TP HCM với mức lương hơn 5.000 USD/tháng. Vậy nhưng làm được 3 tháng, anh lại xin nghỉ việc. Thời điểm này, nhiều đồng nghiệp nghi ngờ anh tìm được một công việc khác lương cao hơn nên bỏ. Nhưng thực tế anh lại làm một việc “không giống ai”.

“Được mời vào làm việc với mức lương cao như vậy nhưng tôi chẳng thấy mình vui chút nào. Ban ngày vẫn hứng thú làm việc bình thường nhưng đến đêm giấc ngủ chập chờn, như có điều gì đó thôi thúc mình. Sau nhiều đêm trằn trọc, tôi nhớ lại người bạn chung lớp ở ĐH Harvard đang tham gia dự án Teach For America (đối tác của Teach For All – tổ chức giáo dục phi lợi nhuận quốc tế thành lập năm 1989, hiện có 40 đối tác trên toàn cầu) nên thử tìm hiểu. Tháng 10-2015, tôi quyết định nghỉ việc và viết một bức thư cho Teach For All với ý định triển khai TFV và đến năm 2016 được họ chấp nhận hợp tác với chúng tôi”, anh Phúc tâm sự.

Theo anh Phúc, TFV là dự án nhằm góp phần đem lại một nền giáo dục hoàn thiện, bình đẳng và thực tiễn trong thời đại mới tại trường học cho trẻ em Việt Nam, thông qua việc tuyển chọn các hạt giống xuất sắc nhất từ đa ngành nghề nhưng giỏi tiếng Anh. Trong đó, mục tiêu quan trọng nhất là giúp trẻ em nghèo ở những vùng khó khăn nên chương trình sẽ hoàn toàn miễn phí cho người học.

Trước mắt, dự án sẽ đào tạo đội ngũ có kỹ năng sư phạm và kỹ năng mềm, sau đó sẽ đưa họ đến dạy một số môn học toàn thời gian. 2 năm đầu là thử nghiệm môn Tiếng Anh tại các trường Tiểu học và THCS ở các vùng khó khăn. Kinh phí để dự án hoạt động là từ quỹ dự án, do các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đóng góp.

“Nếu nhiều nhân lực giỏi từ đa ngành cùng hướng vào giúp đỡ thì tôi tin giáo dục Việt Nam sẽ có nhiều bước tiến rất lớn. Ngoài ra, trong phương pháp giảng dạy truyền thống hiện nay ở nước ta, giáo viên là trung tâm nên học sinh rất thụ động, dẫn đến chán học và mất dần tư duy sáng tạo. Với TFV, chúng tôi đặt học sinh vào trung tâm và giúp các em phát huy hết tiềm năng của mình. Mục tiêu của dự án là đánh thức niềm đam mê học tập trong các em cũng như giúp các em định hướng, xây dựng mục tiêu, tăng khả năng suy luận lẫn sáng tạo, các kỹ năng mềm cần thiết”, anh Phúc phân tích.

Được biết, cuối năm 2016, dự án TFV đã nhận được sự ủng hộ của Bộ Giáo dục – Đào tạo và cho phép triển khai thí điểm dự án tại tỉnh Tây Ninh từ tháng 2-2017, tức sau Tết Nguyên đán này.

Đức Anh

Nguồn: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/bo-viec-luong-cao-de-phat-trien-giao-duc-cho-tre-em-ngheo-20170124160505982.htm