Bài viết “Why I teach”, của Nguyen Thanh Viet trên báo The New York Times. Đường dẫn: https://www.nytimes.com/2019/09/23/opinion/viet-thanh-nguyen-teaching-democracy.html
Bản dịch của Lê Nguyễn Hồng Xuân
Không dễ để trở thành một giáo viên tốt, cũng như việc không dễ để duy trì nền dân chủ của chúng ta. Các chính trị gia nên chú ý điều này.
Nơi tôi làm việc – Đại học Nam California, đã yêu cầu tôi dạy một lớp giáo dục đại cương hằng năm. Dù đôi khi không bằng lòng với nghĩa vụ này, thế nhưng đa phần tôi lại cảm thấy biết ơn vì đã nhận nó. Tôi nghĩ về lớp giáo dục đại cương như một biểu hiện của nền dân chủ còn thiếu sót của chúng ta, và cả những nỗ lực để vận hành nền dân chủ này – một nỗ lực đòi hỏi rất nhiều công sức mà thường chúng ta không muốn phải bỏ ra.
“Giáo dục đại cương” (General Education) là cụm từ mà Đại học Nam California (U.S.C.) đặt cho nhóm môn học quy định mà mọi sinh viên tại U.S.C. phải đăng ký; ở những nơi khác nó có thể được gọi là “chương trình học nền tảng”. Giáo dục đại cương, hay nền tảng, là trọng tâm trong sứ mệnh giáo dục của bất kỳ trường đại học nào. Sinh viên có thể học hàng tá những chuyên ngành khác nhau, nhưng tất cả đều có nghĩa vụ bước vào đời với một nền tảng chung, một hệ thống kiến thức phổ thông vững chắc về trí tuệ, đạo đức và văn hoá – những thứ sẽ định vị con đường họ đi ngay cả khi sự nghiệp tương lai có thay đổi.
Để đáp ứng những yêu cầu của chương trình giáo dục đại cương, sinh viên có thể chọn học những khóa học khác nhau, bao gồm khóa học do tôi phụ trách: Chiến tranh chống Mỹ ở Việt Nam (The American War in Vietnam). Có khoảng một trăm năm mươi sinh viên đăng ký môn mỗi khi tôi mở lớp. Một trong những trở ngại cơ bản nhất trong bất kỳ lớp giáo dục đại cương nào chính là làm sao giảng giải cho những người không giống chúng ta hiểu được điểm cốt lõi của vấn đề, không quan trọng chúng ta là ai, giảng viên hay sinh viên. Đối với nhiều giáo sư – những người đã trải qua quá trình đào tạo để trở thành những chuyên gia, phải nói chuyện trước nhiều đối tượng là một lý do khiến họ sợ phải dạy các môn giáo dục đại cương này. Cách tiếp cận của tôi là cần tìm ra một câu chuyện mà tôi có thể kể cho sinh viên của mình, một câu chuyện kể – hay ít nhất là một bộ câu hỏi – có thể liên kết tất cả những người học và người dạy trên giảng đường.
Các sinh viên của tôi là đại diện của nhà trường, nghĩa là phần lớn đến từ các chuyên ngành khoa học, sức khỏe, kinh tế, luật, và các ngành học khác. Như phần còn lại của nền dân chủ của chúng ta, một phần nhỏ ở đó là những cựu chiến binh trở về từ chiến tranh, một số ít khác là học viên sĩ quan trong quân đội. Chỉ có một bộ phận thiểu số là đến từ lĩnh vực nhân văn, nơi mà tôi có công việc chính thức là Giáo sư Tiếng Anh, Dân tộc và Hoa kỳ học, và Văn học So sánh.
Trong khi những danh vị này vô nghĩa với hầu hết mọi người giống như dải băng-rôn cài trên ngực áo các chiến sĩ, chúng đều hàm chứa một điều: sự cam kết. Người lính có lý tưởng, và các giáo sư cũng như thế. Nhưng thật không may, những lý tưởng của chúng tôi thường bị thực tế làm vấy bẩn, từ các khoản ngân sách khổng lồ của Lầu Năm Góc đến các trường đại học tư nhân đắt đỏ. Thật dễ dàng để quên đi các lý tưởng sau một hay hai thập kỷ sống trong cái “thế giới thực” ấy, khi mà chủ nghĩa thực dụng trở thành điều hiển nhiên, những lý tưởng tuổi trẻ trông thật non nớt, “kinh nghiệm” có thể trở thành từ khóa để từ giã những điều hiển nhiên của hiện tại, và sự hoài nghi có thể ẩn mình trong cái lốt “khôn ngoan”.
Đây là lý do tôi yêu thích giảng dạy chương trình giáo dục đại cương. Việc dạy học cũng giúp tôi học được nhiều như sinh viên của mình vậy. Với sức trẻ, sự ngây thơ, niềm hy vọng và lý tưởng, họ giúp tôi tin rằng thế giới có thể thực sự thay đổi.
Ngay cả khi những sinh viên này mâu thuẫn với những lo lắng thực tế về tương lai và các vấn đề cá nhân của mình, sự tồn tại của họ nhắc nhở tôi về chức năng cơ bản nhất của mình ở trường đại học: để dạy. Một người giáo viên tồi sẽ lãng phí cuộc sống và thời gian, của chính họ và của những sinh viên dõi theo họ. Một giáo viên giỏi dạy các môn học của mình một cách thành thạo. Còn những người thầy vĩ đại cho đi điều gì đó ẩn sâu trong lòng mình.
Tôi mong muốn trở thành một giáo viên giỏi. Tôi mong có thể tìm thấy tiềm ẩn trong mình định nghĩa của một người thầy vĩ đại. Điều này đòi hỏi rằng tôi cần hiện diện vì sinh viên của mình. Rằng tôi tin tưởng vào tầm quan trọng của những kiến thức tôi có. Rằng tôi truyền đạt niềm đam mê môn học mình dạy cho những sinh viên của tôi. Rằng tôi biết câu chuyện của mình là gì để có thể kể cho những sinh viên tôi nghe. Trong lớp học, các sinh viên học về cuộc chiến tranh khủng khiếp đã giết chết hàng triệu người trong các thập kỷ qua: người Mỹ, người Campuchia, người Lào và người Việt Nam, trong số những dân tộc khác. Câu chuyện của lớp học được kể như sau: Chiến tranh kéo theo tất cả chúng ta, chiến sĩ và người dân, đàn ông và đàn bà, trẻ và già, và nó xuất hiện từ đâu cũng như tiết lộ sự liên hệ chặt chẽ giữa sự nhân đạo và vô nhân đạo trong chúng ta.
Câu hỏi của lớp học cũng mang tính phổ quát như vậy: Làm sao mà sự bất bình đẳng giữa các quốc gia và các nền văn hoá sẽ quyết định câu chuyện của ai được lắng nghe và kể lại? Ký ức chính nghĩa là như thế nào? Sự lãng quên chính đáng là ra sao? Làm thế nào sự tha thứ thật tâm có thể trở thành khả thi, đây là một món quà không điều kiện hay chỉ là một kỳ vọng cho mối quan hệ có đi có lại?
Bổn phận chung của chúng tôi với tư cách là Giáo sư và sinh viên là quan tâm. Tôi quan tâm đủ để truyền đạt những bài giảng hấp dẫn và kích thích việc thảo luận, thậm chí với 150 sinh viên đang ngồi trong lớp học. Sinh viên của tôi, phần lớn đều như vậy, quan tâm đủ để có mặt trên lớp, hoặc ít nhất cũng có hai phần ba hay ba phần tư trên tổng lượng sinh viên đến lớp. Nghĩa vụ của họ, như nghĩa vụ của tất cả các công dân và cư dân, là lắng nghe và học tập. Để hỏi. Để tham gia. Để được ở trong cùng một căn phòng nơi họ chia sẻ những điểm tương đồng và khác biệt. Những yêu cầu này cũng tương tự với những gì một nền dân chủ đòi hỏi từ những công dân của mình.
Tổng thống của chúng ta được bầu ra bởi ít hơn một nửa lượng người tham gia bỏ phiếu phổ thông trên toàn nước Mỹ. Vẫn có nhiều vị lãnh đạo khác trong nền dân chủ của chúng ta, phụ trách về các vấn đề chính trị, kinh tế và văn hoá. Bao nhiêu trong số họ có thể dõng dạc tuyên bố đã hỗ trợ và phục vụ ba phần tư số người ủng hộ cho mình? Có bao nhiêu trong số những vị lãnh đạo ấy có thể khẳng định mình là giáo viên, không chỉ qua những bài học mà họ thi thoảng đem lại, mà quan trọng hơn là qua những hình mẫu mà họ tạo ra?
Tinh thần giáo dục đại cương – của chung một cốt lõi – cũng nên phổ biến đến những nhà lãnh đạo này. Và tại sao lại không lan tỏa điều này đến với tổng thống? Giáo dục đại cương không hề đơn giản, với cả sinh viên và giáo viên. Đôi khi không ai trong cả hai muốn đến lớp. Nhưng nếu như sinh viên cảm thấy ngại ngần, thì giáo viên – và các lãnh đạo – phải trở nên nhiệt tình và say mê. Họ phải lần sâu trong bản thân để tìm cho được nguồn cảm hứng và câu chuyện có thể kết nối sâu sắc với những thính giả của mình.
Ngày nay tinh thần của giáo dục đại cương bị vướng mắc bởi sự bất bình đẳng, cho dù chúng ta nói về sự bất bình đẳng kinh tế ngày càng tăng của đất nước hay bất bình đẳng trong phần lớn các trường đại học. Một thực tế đáng tiếc của giáo dục đại học là hầu hết việc giảng dạy được thực hiện bởi giảng viên bán thời gian và không được đảm bảo một số đặc quyền trong công việc của họ. Những giáo sư toàn thời gian – những người như tôi – không được tưởng thưởng cho việc dạy học của mình, mà là cho thành quả nghiên cứu và viết lách, một công việc thường được thực hiện trong thầm lặng hướng tới những độc giả chuyên ngành.
Giáo dục đại học, như phần còn lại của xã hội Mỹ, từ các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp của chúng ta trở xuống, đang gửi đi một tín hiệu mâu thuẫn. Chúng ta đã hùng hồn tuyên bố ưu tiên giáo dục nền tảng, hay đồng thuận vì một đất nước gắn kết, vậy mà vẫn tạo ra nhiều trở ngại trong cách chúng ta đối xử sinh viên hay cử tri. Theo cách hiểu này, giáo dục đại học thực sự là một mô hình thu nhỏ của toàn xã hội chúng ta và những thất bại của nó, với một nhóm thiểu số tinh hoa, hưởng những đồng lương cao và ngày càng phải chịu đựng phần lớn những người làm việc quá sức và bị trả lương thấp.
Sẽ ra sao nếu các lãnh đạo của chúng ta là giáo viên, và các giáo viên của chúng ta là lãnh đạo, cùng hiểu rằng những gì chúng ta thực hành ở trường đại học không chỉ đơn thuần là nghiên cứu hay dạy học mà là mô hình hoá những gì một nền dân chủ nên trở thành? Các giáo sư hiểu biết nhất có thể giảng dạy tất cả những sinh viên đại học, và những giảng viên chưa có một công việc ổn định nên được nâng đỡ để cả họ cũng có thể cùng gánh vác lời hứa về một nền giáo dục đại cương: chuẩn bị cho người trẻ hai mục tiêu cần đạt được khi ra trường, một là khả năng tự chủ kinh tế và hai là khả năng đảm bảo quyền dân chủ của chính mình. Vì suy cho cùng, một khả năng không thể nào đạt được nếu thiếu khả năng còn lại.
Người dịch: Lê Nguyễn Hồng Xuân