Điều mà Teach For Vietnam (TFV) trân trọng nhất khi nhìn vào các câu chuyện của Alumni, đó là khi những giá trị được tạo ra có một sức neo giữ kiên cường. Vượt trên những khung năng lực, những kỹ năng đứng lớp, vượt xa khỏi 2 năm, chúng tôi nghĩ có lẽ kiến tạo ra một bầu không khí, một định dạng tinh thần “kiểu TFV” và lan toả tới các bạn là một điều hạnh phúc cốt lõi hơn. Để sau hành trình này, dù bạn đi muôn ngả, muôn nghề, tinh thần này vẫn sẽ theo bạn để thôi thúc bạn tìm ra những ý nghĩa, không ngừng bóc trần, khai mở về bản thân. Câu chuyện của Phúc Trần (Alumni) là một khía cạnh như vậy.

Sau khi kết thúc hành trình Fellowship, Phúc đã lựa chọn hướng đi tiếp theo như thế nào?

Đó là câu hỏi mà tất cả Fellow đều tự hỏi mình khi bước vào giai đoạn sắp sửa kết thúc hành trình 2 năm Fellowship. Hồi đó có bạn ở lại TFV làm mảng học thuật, có bạn thì tiếp tục đi dạy ở các đơn vị bên ngoài. Mình nhận ra là những hướng đó đều không phù hợp với bản thân. Vì trong quá trình làm có những khoảnh khắc khiến mình nhận ra trở thành một người thầy đi dạy học không phải là mong muốn đến cuối đời của mình.

Hồi đó có một điều mình rất nhớ, có thể hơi kỳ quặc và khác với các bạn khác, nhưng đúng thật là mình rất thích khi được giúp các thầy cô hay đồng nghiệp khi thực hiện thao tác trên các phần mềm hay công cụ mới để giúp mọi người soạn bài, làm việc hiệu quả hơn. Đôi khi mình rất sẵn sàng và vui vẻ khi được nhờ vả thêm như vậy.

Sau này ngẫm nghĩ lại thì mình thấy con người yêu thích công nghệ không phải là bây giờ mới xuất hiện, mà nó có từ khi mình học đại học, nhưng vì nhiều lý do nên mình đã chôn vùi con người đó. Vào TFV như có một nguồn dinh dưỡng để những điều tiềm ẩn đó được nảy nở lên vậy.

Vậy là mình quyết định tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực công nghệ, và làm việc từ đó đến nay.

Rẽ hướng sang hẳn một công việc khác, vậy liệu có phải 2 năm ở TFV chưa thật sự hữu ích lắm với bạn?

Hoàn toàn không. Đúng là mình không còn là một người thầy đứng lớp, nhưng mình nhận được rất nhiều thứ khác, quan trọng hơn thế, những thứ để định hình bản thân mình là ai và một “tinh thần TFV”: tư duy giải quyết vấn đề và tạo tác động cộng đồng.

Mình nghĩ là có nhiều cách giúp đỡ người khác: giúp đỡ trực tiếp học sinh bằng việc đứng lớp hoặc giúp thầy cô bằng công nghệ để thầy cô giúp học sinh. Phương án thứ hai có vẻ hợp với khả năng và mong muốn của mình hơn. Đó cũng là một ước mơ xa nếu như mình có thể theo đuổi sâu hơn lĩnh vực công nghệ trong giáo dục.

Công việc IT ở tập đoàn VNG của Phúc là một công việc như thế nào?

Công việc của mình nói nôm na như một cầu nối giữa lập trình viên và khách hàng vậy. Nhờ vào việc am hiểu lập trình và hiểu cách vận hành của máy móc, và nhờ vào việc nghiên cứu, hiểu về trải nghiệm người dùng, mình sẽ là người viết những đề xuất để hoàn thiện sản phẩm. Vị trí này được gọi là chuyên viên phát triển phần mềm (IT BA).

Cuộc sống đi làm ở công ty lớn như VNG quả thật rất khác so với một tổ chức như Teach For Vietnam. Mình làm quen với sự đa dạng, và điều đó cho mình những nhìn nhận đa chiều và sâu sắc hơn về mọi thứ.

Bạn cảm thấy công việc ở TFV đã cho bản thân những gì?

Dù không còn theo sự nghiệp giảng dạy như là một giáo viên nữa, nhưng mình nghĩ là mình đã học được ở TFV những thói quen nền tảng nhất. Tư duy mày mò nghiên cứu, giải quyết vấn đề là một trong những điểm sáng khiến mình được làm công việc hiện tại. Nhưng có một cái rất quan trọng, đấy là nhãn quan về cuộc sống của mình thay đổi. Mình luôn băn khoăn cũng như có móc nối về hệ giá trị dù làm việc ở bất kỳ đâu.

Sau hành trình này, đôi khi mình nhận ra, rất nhiều người đã dừng lại việc tìm kiếm và theo đuổi con người bên trong của mình. Họ không còn quá khát khao việc làm những điều mới mà bản thân cảm thấy thôi thúc. Một kiểu sống qua ngày, và vậy thôi.

Nhưng hành trình ở TFV khiến mình biết được những con người rất khác. Họ luôn hướng về con người bên trong mình, luôn đặt câu hỏi bản thân muốn gì và một tinh thần chấp nhận thử thách. Có thể cái mà mình muốn hiện tại chưa phải là thứ phù hợp đâu, nhưng mình vẫn khát khao thử và luôn làm hết sức. Hào khí luôn luôn ngập tràn. Tinh thần TFV là một kiểu như thế đó.

Trần Quang Phúc tham gia hành trình Fellowship của Teach For Vietnam ở mùa đầu tiên (2017-2019), giảng dạy môn Tiếng Anh tại Trường Tiểu học Bàu Năng A, và Trường Tiểu học Ninh Hưng, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh. Trước đó, Phúc tốt nghiệp Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, chuyên ngành Sư phạm Tiếng Anh. Phúc cũng từng là thành viên tích cực của tổ chức sinh viên AIESEC.

Cảm ơn Phúc về buổi chia sẻ rất ý nghĩa này!