Khi triển khai chương trình STEM ở những trường công lập vùng sâu vùng xa, chúng mình đối mặt với nhiều nghi hoặc, rằng ở nơi ăn mặc còn không đủ, học sinh còn chật vật tới lớp mỗi ngày, liệu STEM có phải là một điều xa vời hay không?

Quả thật là nhiều cái khó. Cơ sở vật chất của trường học còn nghèo nàn, không có máy tính, phòng thí nghiệm; nên cũng không có những giáo viên và học sinh đeo kính bảo hộ và mặc áo blouse trắng. Nếu như cô giáo khuyến khích các bạn mang điện thoại đi trong một số giờ để thuận tiện tìm kiếm thông tin, cũng chỉ có lác đác một hai chiếc mượn tạm của ba mẹ để thay phiên nhau dùng trong cả chục đứa. Tụi học sinh vui và hứng khởi với những giờ học, nhưng thật lòng, ngô nghê với thiết bị. Những khung cảnh trong giờ học STEM tại Núi Thành và Đại Lộc không trầm trồ và cũng không dễ để tán dương. Nhưng liệu chúng có phải là STEM không? Liệu chúng mình chỉ đang cố gắng đơn giản hoá vấn đề, hay lựa chọn một cách tiếp cận đi từ bản chất của việc học?

Hồi đầu mới vào lớp, cô Quỳnh Trần (Fellow STEM Khoá 4) cũng từng hỏi các bạn học sinh: “Các bạn nghĩ công nghệ là gì?”, nhiều bạn đã đáp là máy tính, là điện thoại Iphone. Truyền thông đại chúng trong nhiều thời điểm đã đưa hình ảnh của STEM gắn chặt với những sản phẩm công nghệ cao như thế, cùng những lời hào hùng về một thời đại 4.0 mà chúng ta đều đang xông xáo bước vào. Bạn đã đi xa đến đâu, còn nhiều trẻ em ở đây lại đang vất vả không tìm thấy vạch xuất phát.

Nhưng liệu công cụ có quyết định bản chất của chương trình hay không?

Cô Quỳnh đưa ra rất nhiều câu hỏi gợi mở trong tiết học đó. 

  • Cái bàn, cái ghế các em đang ngồi này có phải là công nghệ hay không?
  • Giữa một cái cây mọc ngoài đường và một cái cây trồng trong nhà kính, có cái nào được gọi là công nghệ không?
  • Với một chiếc bút bi, tại sao người ta không làm nó dài 1m mà chỉ làm nó dài 15cm? Đầu tròn của bút bi tại sao không làm dẹt?

Các bạn học sinh bắt đầu phân vân.

Sự phân vân ấy tất nhiên đã mờ đi nhiều qua các dự án và tiết học sau này, qua nhiều bền bỉ của cả giáo viên và học sinh trong việc tìm tòi khoa học. Các bạn dần tìm thấy câu trả lời của mình về STEM qua những dự án về làm mô hình cầu, pha chế dung dịch nước rửa tay khô, chậu trồng cây tự tưới hay nhiều hoạt động khác. Một cách rõ ràng, những dự án này không cần những thiết bị phức tạp, chỉ từ những bìa giấy tái chế màu mè hổ lốn, cuộn băng keo, miếng vải lượm ở góc nhà, hay những hộp lon bỏ đi để tạo thành sản phẩm mô hình của riêng mình. Nghe có vẻ chân quê nhưng tụi nhỏ đứa nào cũng say mê, làm nhóm, làm thiết kế bao bì, làm slide thuyết trình, đo đạc, tính toán thứ thiệt. Đó là khoa học ở đây.

Với bất kỳ hoạt động giảng dạy nào ở TFV, dù là STEM, Tiếng Anh hay Giáo dục Khởi nghiệp, chúng mình đều sử dụng nhiều cách khác nhau để phát triển năng lực cho học sinh: tư duy phát triển, kỹ năng thế kỷ 21, phẩm chất, giúp học sinh có tư duy giải quyết vấn đề cho những vấn đề trong cuộc sống quanh mình. Chúng mình nhìn nhận những cụm từ này ở khía cạnh bản chất thay vì là những mỹ từ trên giấy. Chúng mình mong muốn gây dựng những thói quen học tập, năng lực nền tảng vững chắc cho học sinh mà STEM hay Tiếng Anh chỉ là những công cụ khác nhau để truyền tải điều ấy mà thôi.

Việc thực hiện những dự án STEM ở Núi Thành hay Đại Lộc còn đặc thù ở tính xuất phát từ bối cảnh địa phương. Ví dụ như dự án mô hình cầu được khởi xướng trong đợt bão năm ngoái và cô trò cùng suy tư về vấn đề giao thông mùa bão. Hoặc nguồn nước sinh hoạt ở gần sông, bị nhiễm phèn không thể sử dụng được ngay sẽ là một chủ đề cho dự án lọc nước của học sinh THCS. 

Như việc mặc áo blouse đứng trong phòng thí nghiệm chưa chắc đã định nghĩa được một nhà khoa học, chúng mình nghĩ, STEM cũng thế. Thiếu thiết bị không đồng dạng với sự hời hợt. Mỗi bài giảng đều là một nỗ lực vượt khó và hướng tới phát triển năng lực cho học sinh bằng mọi cách. Và trong khát khao của những người mong muốn mang tới một nền giáo dục công bằng cho trẻ em Việt Nam, để STEM không chỉ dành cho học sinh thành phố, chúng mình tìm tới sự tiếp sức từ bạn.

Bạn muốn tham gia hành trình bền bỉ này cùng chúng mình chứ?

Trở thành STEM Fellow mùa 5 của TFV tại: http://bit.ly/TFV_STEMRegister

Tìm hiểu thêm tại: https://teachforvietnam.org/thong-tin-chung/