Trò chuyện với Hoàng Vân qua email vào một ngày cuối tuần sau khi lễ tốt nghiệp Khoá 3 kết thúc, chúng mình nhận ra có những khó khăn và bất ngờ cùng xảy đến để tạo ra trải nghiệm.
1. Giờ này hơn hai năm trước Vân đang làm công việc gì?
Trước khi vào TFV, cũng là thời điểm này của hơn hai năm trước, mình làm nhân viên văn phòng. Đầu tiên mình học ngành Tài chính ngân hàng, đến năm hai đại học mình đã nhận ra mình không thích và không phù hợp với chuyên ngành này, nhưng cũng không biết mình thích gì, hợp gì, và vì thương ba mẹ nên mình vẫn học đến hết bốn năm.
Sau khi ra trường, mình cũng không đi làm ngân hàng ngày nào luôn mà về quê để ứng tuyển cho một tổ chức phi chính phủ nhưng mình trượt. Sau đó, mình có cơ duyên đi dạy Tiếng Anh cho một trung tâm ngoại ngữ. Đó là khoảng thời gian giúp mình nhận ra mình thích gì, hợp gì, và mình quyết định theo đuổi nó.
Mình đã quay lại Sài Gòn học văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh trường Nhân văn, đó cũng là khoảng thời gian mình làm nhân viên văn phòng để có tiền trang trải học phí. Học xong văn bằng hai, mình lại quay về con đường giảng dạy bằng cách ứng tuyển vào TFV. Ngày đó mình không biết nhiều lắm về TFV, nhưng mình quyết định ứng tuyển rất nhanh chóng vì được truyền cảm hứng rất nhiều từ một video phỏng vấn các bạn Khoá 1. Vì ngưỡng mộ, vì tò mò, vì muốn mình cũng là một phần như vậy, mình đã xem đi xem lại nhiều lần clip, và nộp đơn.
2. Trải nghiệm 2 năm vừa qua của Vân có đúng như những gì bạn kỳ vọng ban đầu hay không?
Trải nghiệm 2 năm của mình không giống lắm với những gì mình kỳ vọng. Nhưng cuối cùng, mình lại làm được nhiều điều mà mình không đặt kỳ vọng.
Ban đầu với tâm thế là sống và dạy học chính khóa 2 năm ở Tây Ninh, nhưng thực tế là mình đã có một “cú rẽ bất đắc dĩ”: 1 năm làm dự án và 1 năm dạy ngoại khóa ở Quảng Nam. Mình chỉ thất vọng vì không được dạy hai năm chính khóa như đúng mô hình mà mình tò mò từ lúc đầu, còn Quảng Nam hay Tây Ninh hay bất kì đâu, mình đều đã có tâm thế sẽ di chuyển và sống hết mình ở đó. Hai năm gắn bó là khoảng thời gian mình đã thương Quảng Nam rất nhiều!
Một kỳ vọng nữa là mình đã tưởng tượng đối tượng học sinh mà mình sẽ làm việc cùng rất khó khăn, nhưng thực tế là không quá khó khăn đến vậy. Tuy nhiên, mình vẫn nhìn thấy những đóng góp và sự hiện diện của mình trong mắt học sinh, về những điều mình đem lại rất mới với bọn trẻ.
Hai năm trắc trở nhưng bù lại, cũng có lúc mình đã làm được điều mà mình không đặt kỳ vọng, đó là thực hiện một dự án mang lại sự thay đổi (Art For Education) cùng bạn Oanh Khoá 2 và Phương Khoá 3.
3. Vân thử mô tả trải nghiệm 2 năm vừa qua của mình bằng một: (1) cuốn sách/bức tranh (2) một loài vật (3) một đồ vật (4) một hình tượng bất kỳ?
Nếu như Khoá 4 hay nói lái Fellow thành Phê Lâu, thì với mình và có lẽ với cả Khoá 3 nữa, trong 2 năm vừa qua Fellow chính là Phi Lao. Tất cả chúng mình đều cùng có chung đặc điểm: lúc đầu gia đình ngăn cản, lúc sau gia đình gọi về thì 12 Phi lao còn lại của Khoá 3 cứ vậy là phi tới cùng từ Tây Ninh ra Quảng Nam, từ Tam Kỳ lên Tiên Phước, Quế Sơn, Đại Lộc, Núi Thành, cứ vậy mà Lao vào học sinh, Lao vào các dự án, Lao vào bão lũ, dịch bệnh, các lần long đong tài chính của TFV, nhưng mà vẫn rất chill và rất “yêu” cái sự lựa chọn đó cùng nhau.
4. Với những trải nghiệm đã có, Vân cảm thấy thế nào về mô hình của TFV và những tác động của nó với hệ thống giáo dục?
Mô hình của TFV hay ở chỗ các Fellows đến từ nhiều ngành nghề khác nhau sẽ có những cái nhìn khác nhau về giáo dục. Với trải nghiệm đã có, mình nhận thấy sự đa dạng này khá hữu ích trong cách giảng dạy hay cách tiếp cận học sinh, nhà trường và tạo nên đặc sắc riêng có của TFV. Trong tương lai, mình cũng hy vọng chất lượng chuyên môn sẽ ngày càng được củng cố thêm nữa để mô hình này được hoàn thiện một cách tối đa nhất.
Về tác động của mô hình này đến hệ thống giáo dục công, dù điều này có lẽ hơi lớn lao nhưng vì là người thực hiện trực tiếp, mình có thể nhìn thấy những tác động nhỏ nhất đang dần được tạo nên. Đặc biệt là những tác động đến học sinh, tác động về kiến thức sẽ chưa đủ nhiều bằng những tác động tích cực về ý thức, về thái độ của học sinh. Đâu đó, những cá nhân trong mô hình bao gồm cả nhân viên và Fellow còn tạo được những tác động, tạo được động lực đến giáo viên nữa.
5. Vân từng gặp khó khăn trong việc diễn tả công việc tại TFV của mình với bạn bè/người thân hay không?
Có! Đến bây giờ gia đình mình vẫn chưa thực sự hiểu mình đã làm gì ở TFV, chỉ biết sơ sơ là mình dạy tiếng Anh cho một trường tiểu học ở Quảng Nam. Việc diễn tả công việc này khá là dài dòng và sau khi diễn giải xong, người nghe cũng đặt một loạt các câu hỏi thì mới thực sự hiểu.
6. Quãng đường phía trước, Vân có dự định gì hay chưa?
Mình vẫn sẽ theo định hướng giảng dạy. Mình rất mong được áp dụng những gì mình học được trong 2 năm qua từ TFV, từ nhà trường, từ học sinh, từ các fellows khác, cho những đối tượng học sinh khác nhau để lan tỏa rộng hơn.
Cảm ơn Hoàng Vân. Chúc bạn một nẻo đường mới vững bước vươn xa.