Nếu hỏi hành trình một năm qua, khi trở thành giáo viên dạy STEM tại 1 ngôi trường miền quê ở Quảng Nam, mình đã đem đến những thay đổi nào trong lớp học, thì mình nghĩ rằng nên hỏi ngược lại thì đúng hơn: Một năm qua, học sinh đã làm mình thay đổi những điều gì?

Trước khi nhận lớp, mình cũng đặt nhiều mục tiêu lắm. Nào là làm sao để phát triển sự chủ động, tự học cho học sinh? Làm sao để học sinh tự tin nói lên quan điểm của mình? Làm thế nào để học sinh yêu thích việc đến lớp, chứ không phải vì bắt buộc. Làm thế nào để mỗi buổi học đều đạt được những mục tiêu đề ra? Và rồi, khi mang những mong muốn đó vào lớp học, mình đã thất bại.

Thất bại đầu tiên mà mình nhận ra là: Học sinh khác mình. Các em có cùng mục tiêu như mình đặt ra cho lớp không? Câu trả lời là: Không. Cùng một vấn đề gặp phải trong lớp học, các em có nghĩ giống mình không? Phải sau một thời gian, khi có một số học sinh xin nghỉ tham gia lớp, mình mới phát hiện ra là “Không”. Chúng mình rất khác nhau, từng em học sinh cũng khác biệt. Vậy thì tại sao mình lại đem những điều mình mong muốn và yêu cầu tất cả các em thực hiện như nhau.

Rồi mình nhận ra, phải là mong muốn xuất phát từ chính bản thân học sinh thì các em mới có động lực để làm. Vai trò của giáo viên không phải là “người thầy”, mà là “người bạn” đồng hành cùng các em, hỗ trợ các em tìm ra và thực hiện mục tiêu của riêng mình. Và mình bắt đầu đặt bản thân dưới lăng kính của học trò nhiều hơn: trò chuyện với các em, biết được mong muốn, hiểu những khó khăn các em gặp phải khi tham gia lớp học, tạo thật nhiều cơ hội để phát hiện những tiềm năng của học trò. Từ đó, mình dành thời gian, tạo môi trường để học sinh trải nghiệm những điều mới, tự khám phá bản thân. Mỗi học sinh sẽ có những mục tiêu riêng trong lớp học. Mỗi bạn sẽ cần mình hỗ trợ ở những điểm khác nhau. Và mình đã nhìn thấy những sự thay đổi, dù rất nhỏ: Là Tịnh đã tự tin, năng nổ, cười nhiều hơn hẳn trong lớp học; là Yến dù trước đây chưa bao giờ chủ động phát biểu hay tham gia hoạt động nhóm, đã dám đứng lên thuyết trình về sản phẩm cuối dự án; là Tĩnh dù tư duy tốt nhưng không giỏi giao tiếp, làm việc nhóm, đã dám xung phong tham gia ban cán sự của câu lạc bộ trường. Không có một công thức chung nào cho tất cả học sinh, nhưng mình biết rằng, hiểu và tôn trọng sự khác biệt chính là chìa khóa để tìm ra cách hỗ trợ học sinh tốt nhất trên hành trình phát triển bản thân của các em.

Một điều mình nhận ra nữa là: Làm giáo viên thật là khó! Làm sao để xây dựng một bài học thật hay? Làm thế nào để giải đáp hết những thắc mắc của học trò? Làm thế nào để có đủ thời gian quan tâm đến từng học trò, tham gia các hoạt động chuyên môn của nhà trường và tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh,… Đến lúc này, mình mới thấu hiểu những khó khăn của các thầy cô đang ngày ngày đứng lớp, đặc biệt là ở những vùng kinh tế khó khăn, nhiều thiên tai, bão lũ như Quảng Nam này. Mình còn nhớ như in một buổi sáng sau bao ngày mới được đến lớp vì bão, vừa mới bắt đầu tiết học, một bạn học sinh lớp khác chạy sang vào bảo: “Cô ơi, thầy Tuấn bảo cho toàn trường về vì nước lũ lên rồi, cầu sắp ngập.” Ở nơi mà mình không biết ngày mai có được lên lớp như bình thường hay không, thì tinh thần lạc quan là điều vô cùng cần thiết, cũng là điều mà học trò đã rất vô tư mà dạy cho mình. Rồi cả tinh thần tự học và học tập không ngừng nghỉ, mới giúp cho mình, từ một người học Công nghệ Đa phương tiện, có thể đồng hành cùng lớp STEM trong suốt một năm qua.

Trong hành trình này, nhìn thấy sự thay đổi tích cực của học trò, đồng thời, mình cũng nhận ra sự thay đổi của bản thân: lạc quan hơn, ham học hỏi hơn, biết thấu cảm với người khác hơn. Học trò như cái gương soi vậy. Mình vẫn có thể nhìn thấy rất nhiều những thiếu sót ở bản thân, đồng thời còn rất nhiều những trăn trở với lớp học mà bản thân chưa tìm ra lời giải. Nhưng mình tin rằng, chỉ cần tiếp tục mở rộng tâm trí để tìm hiểu những điều mới, để không ngừng đặt câu hỏi và phản tư, thì năm sau khi nhìn lại hành trình 2 năm fellowship này, cả mình và học trò đều sẽ khác bây giờ.

Quỳnh Trần – Fellow Chương trình STEM

Đại Lộc, Quảng Nam