Sáng ngày 05/08/2021 vừa qua, Teach For Vietnam đã tổ chức Workshop trực tuyến “Ứng dụng thuyết Holland trong hướng nghiệp học sinh THPT” dành cho các giáo viên THPT toàn quốc, đặc biệt là các giáo viên vùng nông thôn như Quảng Nam, Bến Tre, Đồng Tháp, Tây Ninh với mục tiêu giúp cho các thầy cô có thêm góc nhìn toàn diện hơn về các loại trắc nghiệm nói chung và trắc nghiệm Holland nói riêng. Đồng thời giúp các thầy cô biết rõ các bước hướng nghiệp cho học sinh THPT như thế nào. Từ đó các thầy cô có thể ứng dụng một cách hiệu quả nhất trong hướng nghiệp cho học sinh THPT, giúp các em có biết nhận định đúng về việc làm trắc nghiệm và biết cách tập trung vào tìm hiểu bản thân trước khi đưa ra các lựa chọn nghề nghiệp cho chính mình.

Đến với chương trình ý nghĩa và bổ ích này có sự hiện diện của 2 khách mời chia sẻ rất tâm huyết, đó là:

  • Chị Nguyễn Thị Thu Huyền – Tiến sĩ Tâm lý Giáo dục (Đại học Anglia – Vương Quốc Anh) – Giám đốc chương trình tại Teach For Vietnam
  • Chị Nguyễn Ngọc Lê – Chuyên viên phát triển chương trình Giáo dục Khởi nghiệp tại Teach For Vietnam

Workshop diễn ra hơn 2 tiếng với bầu không khí sôi nổi của diễn giả và người tham dự cùng nhau chia sẻ, học hỏi các nội dung vô cùng hấp dẫn.

PHẦN 1: GIỚI THIỆU VỀ HỌC THUYẾT HOLLAND 

Trong phần đầu tiên của buổi chia sẻ, diễn giả Nguyễn Thị Thu Huyền đã mang một cái nhìn tổng quan về sự hình thành, quá trình phát triển, thực trạng sử dụng trắc nghiệm Holland cho quý thầy cô. Đặc biệt hơn nữa là chị Huyền đã đề cập đến lý do vì sao nên sử dụng trắc nghiệm này và các hạn chế của các công cụ trắc nghiệm hướng nghiệp nói chung để giúp các thầy cô giáo có góc nhìn khách quan hơn về các công cụ này trong quá trình hướng nghiệp cho học sinh THPT.

Chị Huyền đã nhấn mạnh các điểm chính như sau về học thuyết Holland:

  • Lý thuyết của Holland được xem là lý thuyết nghiên cứu về nghề nghiệp toàn diện nhất (Brown and Lent, 2013)
  • Quan điểm của thuyết Holland là: Sự tương đồng giữa đặc điểm nhân cách của một người với môi trường làm việc tỉ lệ thuận với thành tựu, độ gắn bó bó bền vững và sự hài lòng của người đó trong công việc (Holland, 1985)
  • Mô hình RIASEC của Holland hiện được sử dụng rộng rãi nhất để đánh giá sự quan tâm nghề nghiệp và các nhà tư vấn trên toàn cầu cảm thấy thoải mái khi sử dụng phương pháp phân loại trực quan và được xác thực khoa học này (Nauta, 2010)

Không những chỉ đề cập đến những điểm ưu thế của trắc nghiệm Holland nói riêng, chị còn nhấn mạnh các hạn chế của công cụ hướng nghiệp nói chung để các thầy cô giáo có thêm góc nhìn đầy đủ hơn:

  • Phần lớn là người dùng tự làm, tự tính điểm (hoặc máy tính), tự diễn giải kết quả. Vì vậy, hàng loạt thuật ngữ chuyên môn không được hiểu đúng và kết quả phụ thuộc cá nhân hiểu bản thân và năng lực chiêm nghiệm
  • Các yếu tố văn hóa, xã hội, chuyển ngữ, định chuẩn công cụ khi sử dụng ở bối cảnh mới chưa được xem xét và thực hiện nghiêm túc. Do đó, tính giá trị và tính tin cậy của công cụ bị ảnh hưởng
  • Thế giới tinh thần của con người vốn phức tạp và không ngừng thay đổi nên các công cụ cũng có thể lỗi thời nếu không cập nhật thường xuyên và nâng cấp các phiên bản. 

Chính vì thế, công cụ hướng nghiệp chỉ dùng làm nguồn tham khảo, không có giá trị vĩnh viễn. Đặc biệt là chúng không thể thay thế cho dịch vụ tư vấn, định hướng nghề nghiệp chuyên nghiệp và không nên dựa vào chúng để giới hạn các hoạt động trải nghiệm, chiêm nghiệm bản thân. 

PHẦN 2: QUY TRÌNH HƯỚNG NGHIỆP VÀ CÔNG CỤ HỖ TRỢ HƯỚNG NGHIỆP HIỆU QUẢ

Sau khi đã hiểu rõ về học thuyết Holland, chị Nguyễn Ngọc Lê giúp các thầy cô hiểu rõ về đặc điểm 6 nhóm sở thích, quy trình các bước hướng nghiệp.

Cụ thể về quy trình, chị nhấn mạnh 2 bước chính:

  • Bước 1: Xác định vấn đề mà học sinh đang gặp phải
  • Bước 2: Tư vấn, hướng dẫn sử dụng công cụ hỗ trợ theo trình tự

Trong bước thứ 2, chị Lê đã giới thiệu bộ công cụ Lựa chọn nghề nghiệp quan tâm dựa trên nhóm sở thích Holland trên Airtable – đây là bộ công cụ mà các chuyên viên của Teach For Vietnam đã kết hợp Danh mục nghề nghiệp tại Việt Nam (trong Sách Tra Cứu Nghề năm 2020) có sự phân loại lĩnh vực chuyên môn dựa trên Danh mục nghề nghiệp Việt Nam (Bộ LĐTB&XH,2020) và Danh mục giáo dục, đào tạo trình độ Đại học, Cao đẳng và Trung cấp (Bộ GD&ĐT,2017) với ONET – Trang thông tin về thế giới nghề nghiệp tại Mỹ bao gồm sự phân loại, nhóm các nhóm sở thích cần có trong 1 nghề nghiệp nhất định lại với nhau.

Các thầy cô giáo tham gia chương trình cực kỳ háo hức và rất nhiều ý kiến phản hồi rằng bộ công cụ này rất hữu ích và thiết thực đối với việc hướng nghiệp tại trường.

PHẦN 3: GIẢI ĐÁP CÁC TÌNH HUỐNG THỰC TẾ

Đây là phần giao lưu hết sức sôi nổi từ quý thầy cô giáo tham dự. Các thầy cô rất cởi mở chia sẻ các tình huống “khó đỡ” trong quá trình hướng nghiệp với nhau và được các diễn giả giải đáp rất cụ thể và thực tế. Chỉ với 30 phút vỏn vẹn nhưng các diễn giả đã giúp các thầy cô ôn lại những nội dung chính của chương trình và khiến các thầy cô thỏa mãn với phần giải đáp này.

LỜI KẾT

Với hơn 2 tiếng của buổi chia sẻ, các thầy cô giáo tại các trường THPT, các thầy cô hay các bạn sinh viên mới ra trường có hứng thú và quan tâm đến mảng hướng nghiệp đã được lắng nghe những thông tin rất hữu ích từ 2 diễn giả về “Ứng dụng thuyết Holland trong hướng nghiệp học sinh THPT”, BTC đã gửi tặng bộ công cụ miễn phí này đến cho những người trực tiếp tham dự. Hy vọng rằng, là Nhà Giáo, chúng ta chung tay lan tỏa các giá trị tích cực nhất đến cho nhau và đến cho học sinh của mình. 

Teach For Vietnam xin chân thành cám ơn sự quan tâm và đóng góp của tất cả quý thầy cô giáo.