Chương trình phát triển năng lực lãnh đạo của Teach For All với gần 1000 giáo viên, học sinh, lãnh đạo, chuyên viên thiết kế chương trình, những người ủng hộ giáo dục đã cùng chiêm nghiệm những cơ hội và thách thức mà học sinh trên toàn thế giới đang đối mặt, và những ngầm hiểu của chúng ta về việc xây dựng một nền giáo dục bình đẳng. Rút ra kết luận từ những cuộc thảo luận, chúng tôi cùng cam kết hướng đến mục tiêu:
Phát triển tiềm năng của mỗi đứa trẻ để các em đều là những người làm chủ cuộc đời mình, tự mình xây dựng một tương lai tốt đẹp cho bản thân, xã hội và cho tất cả chúng ta.
Tất cả chúng tôi trong mạng lưới Teach For All, đặc biệt Teach For Viet Nam tin rằng bình đẳng giáo dục không chỉ là đảm bảo tất cả học sinh đều nhận được nguồn lực như nhau. Bình đẳng giáo dục cũng không phải sự mong đợi các em đều cùng đạt được một thành tích. Mà chúng tôi tin rằng bình đẳng giáo dục phải là quyền mà tất cả học sinh đều được nhận để phát huy tiềm năng của mình để phát triển bản thân, để cải tiến xã hội, để xóa bỏ bất bình đẳng đang cản trở sự bền vững, hòa bình và công lý.
Hệ thống giáo dục của chúng ta đã ở hiện trạng bình đẳng nào?
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu mục đích của chúng ta là bình đẳng về nguồn lực?
Có một số quan điểm cho rằng bình đẳng chính là mọi học sinh nhận được cùng một nguồn hỗ trợ như nhau. Mục tiêu chính là cung cấp cho học sinh cùng một nguồn sách, cùng một chất lượng thiết bị, cùng một lượng chu cấp sách vở.
Đây cũng là bình đẳng. Nhưng nếu chúng ta chỉ chú tâm vào việc làm sao để đảm bảo học sinh có đủ sách vở, dụng cụ, thiết bị học tập, chúng ta sẽ dễ khiến giáo viên sa đà vào việc chỉ cần cung cấp đủ nguồn lực cho học sinh là đủ. Việc này là cần thiết, nhưng liệu chúng ta có đủ khả năng để đảm bảo mọi học sinh dù trong bất cứ hoàn cảnh nào đều nhận được một nguồn hỗ trợ như nhau trong một thế giới đầy sự bất bình đẳng như thế nào không? Và làm sao chúng ta giúp học sinh định hướng được thành công của riêng các em và giúp các em vượt qua những khó khăn về bất bình đẳng đang diễn ra ngoài thực tế kia?
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu mục đích của chính ta là bình đẳng về thành tích?
Tương tự, một số quan điểm cho rằng bình đẳng giáo dục chính là mọi học sinh đều đạt cùng một thành tích, cố gắng thu hẹp khoảng cách về thành tích học tập của các. Bình đẳng theo quan điểm này được thấy rõ nhất là khi một học sinh yếu môn toán, văn, khoa học,… có thể theo kịp bạn bè, theo kịp thành tích mà trường học, cộng đồng đó đề ra là chuẩn.
Đều này là không sai vì tất cả học sinh đều xứng đáng có cơ hội để thông hiểu và đạt được những kiến thức, kỹ năng cần thiết. Tuy nhiên nếu chỉ tập trung vào xây dựng sự bình đẳng dựa trên thành tích thì tất cả học sinh, đặc biệt những em có bất lợi về năng lực, sẽ cảm thấy một áp lực rất lớn đang đè nặng trên thành tích, đánh giá đầu ra của các em. Và chúng ta cũng sẽ dễ bỏ qua những năng lực, tiềm năng khác không có trong giáo trình, sách giáo khoa. Để nuôi dưỡng các em thành những người làm chủ cuộc đời mình, kiến thức không phải là quan trọng nhất, mà bên cạnh đó còn có sự chủ động, thấu hiểu, kết nối, sức khỏe và hạnh phúc của các em.
Có thể khi chúng ta định nghĩa bình đẳng giáo dục là “thu hẹp khoảng cách thành tích”, chúng ta vô tình nhìn nhận thành công của tất cả học sinh bằng góc nhìn của thiểu số có đặc quyền. Ở một số nước, hệ thống giáo dục được xây dựng bởi tầng lớp nắm quyền, tầng lớp có nhiều vị thế và đặc quyền trong xã hội. Vì vậy khi định nghĩa về bất bình đẳng giáo dục, chúng ta cần phải cân nhắc thêm yếu tố ai là người đưa ra tiêu chuẩn, để chắc chắn rằng bình đẳng không phải trả giá bằng áp lực của tầng lớp yếu thế. Tất nhiên chúng ta đều muốn học sinh đạt được thành tích nhất định khi đi học, nhưng quan điểm này vô tình điều hướng suy nghĩ của chúng ta, đặt định kiến của chúng ta lên những em học sinh không đạt được thành tích “chuẩn” này, thay vì phải thấu hiểu và nhìn nhận năng lực, cá tính riêng của các em như một cá thể riêng biệt. Không những thế, vô hình chung, chúng ta xây dựng một môi trường học tập chạy theo thành tích, chỉ tập trung vào những học sinh top đầu, gây áp lực lên vai của các em. Và hậu quả để lại chôn vùi năng lực cá nhân, sức sáng tạo vốn có của trẻ em, mà chạy theo thành tích mà người lớn đặt ra. Hệ thống bình đẳng như vậy không chỉ có tác động tiêu cực đến sức khỏe, tinh thần của các em mà còn làm chúng ta lãng quên đi khả năng dẫn dắt của chúng ta giúp các em tự xác định, xây dựng thành công của chính các em.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu mục đích của chúng ta là phát huy tiềm năng làm chủ bản thân của học sinh?
Lớp học, trường học, hệ thống giáo dục sẽ khác đi như thế nào nếu mục tiêu của chúng ta không chỉ giúp học sinh có thể tiếp cận chung nguồn lực, đạt chúng thành tích mà còn giúp các em nhận thức con đường tương lai của chính mình bằng sự thấu hiểu, tình yêu thương, bằng nỗ lực xóa bỏ những rào cản trên con đường thành công được định nghĩa bởi chính năng lực của các em? Giáo viên sẽ dạy gì và học sinh sẽ học gì nếu chúng ta xem việc phát huy tiềm năng của các em, nhìn nhận các em như những cá nhân có năng lực, cá tính riêng biệt, là những người đầy đủ khả năng tự tạo dựng tương lai cho các em, cho xã hội, và cho tất cả chúng ta?
Đáp án chắc chắn sẽ đến từ quá trình tự tìm hiểu và tìm câu trả lời cho chính bản thân mình. Cùng chia sẻ với chúng tôi quan điểm, ý kiến của bạn về bình đẳng giáo dục nhé!
(Lược dịch theo Teaching as Collective Leadership của Teach For All)