Với tính cách cởi mở và ưa xê dịch, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ trở thành giáo viên ở chính ngôi trường cấp hai mà mình từng theo học.

Câu chuyện bắt đầu từ thời sinh viên, khi tôi có dịp tham gia một dự án tình nguyện ở vùng cao Mộc Châu. Tôi vẫn còn nhớ lòng mình đã rộn rã thế nào khi được truyền cảm hứng qua những lần “cho đi” từ trải nghiệm trong dự án. Sau khi tốt nghiệp, tôi thử những công việc khác nhau rồi lại trở về với chính giá trị “cho đi” ấy tại hành trình 2 năm với Chương trình Phát triển Năng lực Lãnh đạo (LDF) ở Teach For Viet Nam. Nói là “cho đi” nhưng bản thân tôi thấy mình “nhận được” nhiều hơn. Tôi nhận được sự yêu mến của học trò; sự đồng hành, dẫn dắt từ các thầy cô bộ môn và ban giám hiệu nhà trường; sự san sẻ của cộng đồng và những người bạn cùng chí hướng với tôi. Những trải nghiệm này đã nhen nhóm trong tôi một tình cảm đặc biệt với nghề giáo và thôi thúc tôi đi tiếp trên con đường “trồng người”.

Hoàn tất hai năm trong vai trò giáo viên chương trình STEM của LDF, tôi trở về Sài Gòn và quyết định chọn ngôi trường cấp 2 ngày xưa nơi tôi từng học là bến đỗ tiếp theo của mình. Trước khi đưa ra lựa chọn này, tôi đã hiểu phần nào những thử thách hàng ngày, hàng giờ mà một giáo viên trường công phải đối mặt và có hình dung cách khái quát về bức tranh giáo dục Việt Nam. Với tôi, đây thật sự là một lựa chọn can đảm bởi nó đòi hỏi tôi phải liên tục làm mới bản thân và không ngừng trau dồi kỹ năng mà không đánh mất giá trị của chính mình, hay nói cách khác là “hòa nhập mà không hòa tan”. 

Một ngày đẹp trời cuối tháng 8 năm 2020, trong một chuyến đi chơi, tôi nhận được cuộc gọi từ thầy hiệu phó để nhận lớp với nhiệm vụ là giáo viên chủ nhiệm của một lớp 45 học sinh khối 6 và giảng dạy bộ môn tiếng Anh của các lớp khối 6 -7. Trong đầu tôi dâng lên nhiều suy tư và lo lắng, tôi vẫn là một tâm hồn non nớt đầy rong chơi, bây giờ lại chăm lo cho hơn 45 em học sinh từ tác phong kỷ luật đến kiến thức, kỹ năng, tôi băn khoăn: “Liệu tôi có làm được không?” 

Còn nhớ ngày đầu tiên đi dạy, tôi đến lớp với niềm háo hức về tiết học đầu tiên và rời lớp trong tâm trạng đầy bối rối, hoang mang. Ngay khoảnh khắc đối diện với hơn 40 học sinh nhìn chằm chằm vào mình, tôi cảm nhận một áp lực vô hình khủng khiếp đang bóp nghẹt lấy cổ họng mình và tôi chỉ muốn bỏ chạy thật nhanh. Tôi từng đứng lớp trước đây nhưng chưa từng làm chủ nhiệm cho ngần ấy học sinh, tôi cảm thấy mình còn quá non nớt để dẫn dắt các em trong vai trò này, liệu tôi có nên rút lui trước khi phạm phải sai lầm nào đó?

Và rồi tôi nhớ lại, tôi không chỉ là người dạy, trao đi tri thức mà còn là người học, trải nghiệm và lớn lên cùng với học sinh của tôi trong hành trình giáo dục này. Tôi đã luôn hừng hực trong mình khí thế học hỏi không ngừng, và sẵn sàng “mắc lỗi” để hoàn thiện hơn, cớ gì tôi lại sợ hãi và muốn bỏ chạy nhỉ? Giây phút ấy, tôi hít một hơi thật sâu và nhớ lại những nụ cười thơ ngây và ánh mắt ngập tràn hy vọng của học sinh. Đây chính là động lực để tôi tiếp tục tin tưởng vào các em, tin tưởng vào chính mình. Tôi tự nhủ “Chúng ta làm được mà.” 

Dù bản thân còn nhiều điều chưa hoàn thiện và cần trau dồi hơn nữa, tôi chưa bao giờ hối tiếc với lựa chọn dấn thân trên hành trình giáo dục này.

Tôi xin gói ghém lại hành trình vừa qua bằng một vài dòng thơ ngẫu hứng vào một chiều hoàng hôn rời Tây Ninh trở về Sài Gòn, như một lời tạm biệt đầy trân quý:
“Muốn cho đi và cho đi nữa

Muốn ôm cả đất và trời

Thì cũng là nhận lại

Những nụ cười và ánh mắt hi vọng” 

– Tây Ninh, hoàng hôn 20.8.2020 –

(Uyên Phạm – Alumni Khoá 2)