Ngày 15-17/9 vừa qua, Teach For Viet Nam vinh dự có nhóm 2 thành viên gồm Nguyễn Phương Thảo – Trưởng nhóm Chương trình tiếng Anh, và Nguyễn Anh Phương – fellow chương trình tiếng Anh tham dự chia sẻ tại Hội thảo Quốc tế VietTESOL (VIC)* với nghiên cứu: “My school yard can be a better place: Project-based learning (PBL) and its implementation in an EFL classroom” dưới sự hướng dẫn bởi Cố vấn chương trình tiếng Anh của Teach For Viet Nam – anh Khánh Bùi.
Dưới đây là chia sẻ của Nguyễn Anh Phương về quá trình thực hiện dự án.
1. Ý tưởng hình thành nghiên cứu này là gì và vì sao bạn muốn đưa phương pháp PBL vào thử nghiệm trong giảng dạy?
Học tập thông qua dự án (project-based learning – PBL) là một phương pháp giúp học sinh học, thông qua việc chủ động tham gia vào dự án, giải quyết vấn đề thực tế liên quan trực tiếp đến các em. Lớp học PBL lần này là sự hợp tác giữa TFV và Trường THCS Quế Minh. Lớp học trao quyền cho học sinh tìm hiểu các vấn đề xoay quanh sân trường của chính các em và cất tiếng nói đề xuất giải pháp cho những vấn đề mà các em nhận thấy.
Từ góc độ cá nhân, mình tin một trong những vai trò chính của giáo dục là giúp người học có năng lực làm việc, học tập, sinh sống khi bước ra khỏi trường học. Mình nhận ra hầu hết những gì mình đem theo sau 12 năm phổ thông và 4 năm đại học đến giờ là năng lực tự học, giải quyết vấn đề, tư duy hệ thống, những điều mình phát triển qua nhiều trải nghiệm đa dạng ngoài lớp học.
Mình cũng từng được trải nghiệm một chương trình học tập sử dụng phương pháp PBL. Trong chương trình, mình được tìm hiểu về các vấn đề giáo dục tại địa phương và xây dựng dự án nhằm góp phần giải quyết vấn đề đó. Quá trình làm dự án này là bước ngoặt thay đổi của mình, không chỉ về kiến thức, kỹ năng mà quan trọng hơn chính là động lực học tập, khi mình thấy được việc học của mình đang góp phần tạo ra sự thay đổi thực tế.
Đó là lý do khiến mình bắt đầu PBL.
2. Trong quá trình thực hiện nghiên cứu nhóm chuyên môn đã gặp những khó khăn gì?
Khó khăn đầu tiên là về năng lực tiếng Anh của học sinh. Để nói đến giải quyết bất kỳ vấn đề nào, học sinh sẽ cần được trang bị cùng lúc nhiều kiến thức và kỹ năng, bao gồm các kỹ năng phức tạp như nhận diện vấn đề (problem identification) hay tư duy phản biện (critical thinking). Tuy nhiên, năng lực tiếng Anh của học sinh chưa đạt đến trình độ có thể nghe hiểu và diễn đạt bằng tiếng Anh trong quá trình tham gia lớp PBL và thực hiện dự án. Giáo viên cần thiết kế hoạt động giúp học sinh giải quyết được vấn đề, đồng thời tối ưu hoá thời gian học sinh sử dụng tiếng Anh để đảm bảo học sinh vẫn đạt được mục tiêu về ngôn ngữ bên cạnh các năng lực thế kỷ 21.
Bên cạnh đó, thời gian cũng là trở ngại lớn. Để tìm ra được một vấn đề phù hợp cho lớp học PBL, giáo viên của các bộ môn cần làm việc cùng nhau, khảo sát các vấn đề thực tế xung quanh học sinh. Vì thế đây sẽ là một trở ngại nếu triển khai dạy PBL trong năm học. Nếu triển khai trong năm học, các lớp học có thể dừng lại ở việc áp dụng một số nguyên tắc của PBL thay vì mở ra một dự án hoàn chỉnh.
Về khó khăn chủ quan, đây là lần đầu thực hiện nghiên cứu hành động nên chúng mình mất nhiều thời gian để tự học, đọc tài liệu và áp dụng luôn vào thực tế. May mắn là chúng mình có sự hỗ trợ của anh Khánh – Thạc sĩ chương trình TESOL, và hiện tại là cố vấn chương trình tiếng Anh của TFV. Anh Khánh cũng chính là người đồng thực hiện dự án nên chúng mình đã có những thành công bước đầu.
3. Theo bạn, việc ứng dụng PBL vào giảng dạy sẽ mở ra cơ hội như thế nào cho học sinh?
Từ trải nghiệm cá nhân và quan sát trong quá trình thực hiện, mình nghĩ học sinh đầu tiên được phát triển năng lực qua quá trình khám phá vấn đề xung quanh, đặt câu hỏi, và tìm giải pháp. Qua quá trình đó, các em học được các năng lực quan trọng như hợp tác, phản biện, giải quyết vấn đề, sáng tạo. Thứ hai, việc các em tự kiến tạo sự thay đổi trong cộng đồng của chính em cũng giúp học sinh có thêm góc nhìn về ý nghĩa của việc học và có thể giúp các em có thêm động lực học tập. Thứ ba, về mặt ngôn ngữ, PBL có nhiều điểm giao với phương pháp học tích hợp nội dung và ngôn ngữ (CLIL: Content and Language Integrated Learning) và cách tiếp cận dạy giảng dạy ngôn ngữ giao tiếp (CLT: Communicative Language Teaching), học sinh từ việc học ngôn ngữ chuyển sang học ngôn ngữ trong bối cảnh thực tế (real-world context) – ngôn ngữ thực sự được sử dụng để giao tiếp và thực hiện dự án. Chính mình khi dạy kỹ năng nói cũng chuyển từ việc tập trung vào tính chính xác (form-focused) sang ý tưởng/ý nghĩa của bài nói (meaning-focused). Những sự thay đổi này mình tin đang tác động tích cực đến việc phát triển năng lực giao tiếp của học sinh.
4. Hãy chia sẻ cảm nhận của bạn khi tham gia hội thảo nghiên cứu quốc tế VietTESOL 2022?
Đây là lần đầu tiên mình tham gia một hội thảo khoa học sau khi tốt nghiệp. Mình nghĩ bản thân may mắn khi mới làm việc ở TFV một năm đã có cơ hội đóng vai trò của cả người thực hành lẫn người nghiên cứu giáo dục. Đến VietTESOL mình một lần nữa nhận ra tầm quan trọng của nghiên cứu trong việc dạy và học và được truyền cảm hứng bởi những con người đang làm giáo dục một cách nghiêm túc và đóng góp vào kho tri thức và sự thay đổi của giáo dục Việt Nam. Đó có thể là một giáo viên tiểu học, một giảng viên đại học, có thể là một người đến từ một trường công lập, cũng có thể đến từ một doanh nghiệp hay một tổ chức phi lợi nhuận. Đó có thể là người trẻ, vừa bước chân vào giáo dục như mình, và còn có thể là cả những thầy cô tuổi nghề đã 30 năm. Mình hào hứng và khá xúc động khi được lắng nghe những cuộc thảo luận nghiêm túc, phản tư và mang tính xây dựng về các vấn đề của giáo dục, cũng như những giải pháp sáng tạo, dựa vào kinh nghiệm và khoa học, cho các vấn đề ấy – những cuộc thảo luận mà không chỉ diễn ra trong phòng hội thảo điều hoà, chúng diễn ra cả trên bàn ăn, ngoài hành lang, dọc sân trường. Một điều mình mang theo sau khi rời hội thảo là mong muốn tiếp tục làm nghiên cứu và mời các thầy cô đang thực hành giáo dục nghiêm túc cùng tham gia việc làm nghiên cứu thúc đẩy sự thay đổi có ý nghĩa trong chính lớp học, trường học và việc giảng dạy của mỗi thầy cô.
Dưới vai trò là một nhà giáo dục tiên phong của Teach For Viet Nam (TFV) thì sao?
Mình nghĩ TFV là không gian tốt để thử nghiệm các sáng kiến giáo dục.
Đầu tiên, làm việc tại TFV cho mình cơ hội gặp được những đồng đội có chung sự quan tâm. Mình thấy rằng, tổ chức nói chung và đồng đội của mình đều chung mục tiêu hướng đến chất lượng giáo dục, nên mình có thể cởi mở và “dám” chia sẻ ý tưởng của bản thân, dù nhiều khi những ý tưởng còn sơ khởi, non nớt, hay thậm chí là xa vời. Thường mình sẽ tìm được đồng đội cùng chia sẻ mối quan tâm và sẵn sàng cùng mình nghĩ sâu, làm tới.
Thứ hai là Nguồn lực. Các sáng kiến đưa ra thường được anh chị quản lý lắng nghe, góp ý, thậm chí là hỗ trợ hiện thực hoá bằng cách kết nối chúng mình với nguồn lực từ chuyên gia đến tài chính. Dự án PBL lần này được hiện thực hóa cũng là nhờ TFV có kết nối với chuyên gia là anh Khánh – người đã tập huấn cho chúng mình về PBL và đi cùng chúng mình từ khâu lên kế hoạch, dạy học, thu thập dữ liệu, phân tích dữ liệu và hoàn thành bài trình bày nghiên cứu tại hội thảo chuyên môn.
Thứ ba là các kết nối có sẵn với học sinh và nhà trường. Chúng mình đã có thời gian làm việc dài lâu tại nhà trường, vì thế chúng mình có thể kết nối với ban giám hiệu, học sinh và chính quyền để có thể tổ chức lớp học ngay khi muốn, vốn là điều không dễ dàng khi muốn tiếp xúc với học sinh trong các trường công lập. Học sinh của mình dự án lần này cũng là học sinh lớp ngoại khoá tiếng anh mà mình đã dạy trong học kỳ vừa rồi.
Cảm ơn Anh Phương về buổi chia sẻ vô cùng bổ ích này!