Tôi đã từng rất xúc động khi đọc tác phẩm Chiến binh cầu vồng của nhà văn Andrea Hirata kể về 11 bạn nhỏ, 11 chiến binh cầu vồng cùng thầy Harfan và cô Mus đã đấu tranh đến cùng để giữ được ngôi trường xiêu vẹo, giữ được ước mơ đến trường của các bạn nhỏ trên hòn đảo Belitong của Ấn Độ. Ngạc nhiên thay, trên chính mảnh đất Quảng Nam, tôi đã một lần nữa xúc động khi tìm thấy 25 chiến binh cầu vồng của lớp học STEM online mà tôi đang trực tiếp giảng dạy. Hành trình nỗ lực theo đuổi việc học của các em làm tôi xúc động. Chính tinh thần ham học của các em là động lực để tôi không từ bỏ con đường khó khăn này, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng. 

Ngày tôi quyết định tổ chức lớp học STEM online miễn phí, điều tôi lo lắng nhất là khâu tuyển sinh. Vì dịch bệnh bùng phát, tôi đã không thể đến trường và không được gặp các bạn học sinh của tôi hơn 2 tháng.  Sau hơn một tuần mở đơn đăng ký, 5 đơn là con số tôi nhận được. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều, và chợt nhận ra: Hình như vấn đề là học sinh của tôi, không mấy bạn sử dụng facebook hay zalo, nên thông tin lớp học chưa đến được với các bạn. Tôi quyết định thử một cách tiếp cận khác. Tôi liên hệ giáo viên chủ nhiệm và xin số điện thoại phụ huynh của từng bạn. Bản thân tôi là một giáo viên, chưa bao giờ thử qua việc gọi điện tuyển sinh thế này bao giờ. Nhưng tôi biết, học trò của tôi đang ở đầu dây bên kia và tôi thực sự muốn đưa tay ra với các bạn.

Cuộc gọi đầu tiên….

– Alo! Cho em hỏi đây có phải số điện thoại của mẹ Hải Đăng không ạ? Em là cô giáo của Đăng…

– Alo Đăng, con có nhận ra là giọng của cô nào không?

– A! Cô Chinh

– Đúng rồi, chính xác. Hè này cô Chinh có tổ chức một lớp học STEM online, Đăng tham gia cùng cô và các bạn nhé?

– Dạ được cô! Cô hướng dẫn em cách học nha!

Đó là lời đồng ý đầu tiên mà tôi nhận được từ Hải Đăng, cậu học trò nhỏ nhưng rất sâu sắc và quan tâm người khác. Tôi tiếp tục gọi cho các phụ huynh và học sinh. “Là cô thì con sẽ học”, “ Con muốn tham gia”, “Cô cho em học STEM với”… Những lời đồng ý không chút do dự của các bạn làm tôi cảm động và hạnh phúc vô cùng. Dĩ nhiên, tôi cũng gặp không ít sự e dè của một số phụ huynh, lo lắng về học phí, về cách học, nhưng nhờ sự hỗ trợ của các chiến binh nhỏ tuổi, tôi đã thuyết phục phụ huynh thành công. Và cuối cùng, tôi đã nhận được 25 cái gật đầu tham gia lớp học STEM online.

Chặng đường tiếp theo, hướng dẫn học sinh vào lớp học là gian nan nhất. Tôi quyết định đến từng nhà học sinh để hướng dẫn các em vào lớp học trực tuyến. Ở vùng quê nghèo ấy, tôi biết chẳng thể dùng Google maps để tìm nhà học sinh. Tôi đã sử dụng một công cụ tân tiến hơn rất nhiều, tôi gọi đó là Students’ maps (bản đồ học sinh) tức là nhờ học sinh chỉ đường đến nhà bằng các đặc điểm như con đường này, cái nhà màu này, có cây gì….Tôi liên hệ với Thiện – cậu học sinh năng động, sáng tạo và đầy tiềm năng, và hẹn đến thăm nhà bạn. Mò mẫm hỏi thăm rồi tôi cũng đến được nhà em. Tôi hướng dẫn em tải phần mềm, đăng ký tài khoản và cách tham gia, các thao tác trong lớp học. Nhìn đôi mắt sáng đầy sự tò mò của bạn, tôi thấy mình như người nông dân, vừa tưới nước để nuôi dưỡng một mầm xanh. Tiếp đó, Thiện trở thành một hướng dẫn viên đích thực, dẫn tôi đến nhà các bạn còn lại trong lớp, rồi bạn này lại dẫn cô sang nhà bạn kia. Cô trò rồng rắn nhau đi khắp thôn xã, rộn ràng cả một vùng quê. 

Đến nay, lớp học STEM online đã trải qua 2 tuần học đầu tiên. Sau bao nhiêu cố gắng của cả cô và trò,  các em đã có thể tự thao tác vào lớp học đúng giờ, tích cực tham gia nhiều hoạt động khác nhau. Chúng tôi đã cùng nhau trải qua dự án đầu tiên: “Thiết kế mô hình phương tiện vận chuyển lương thực, thực phẩm hỗ trợ vùng dịch Covid-19”. Khác với lớp học STEM bình thường, giáo viên sẽ hỗ trợ học sinh chuẩn bị nguyên liệu, sẽ luôn đồng hành cùng các em trong quá trình làm sản phẩm, thực hiện dự án, ở lớp học STEM online, các em chủ động hơn rất nhiều, từ khâu lên ý tưởng, tìm nguyên liệu, thực hiện mô hình và giải quyết các vấn đề phát sinh. Qua dự án đầu tiên, các em đã học được những bài học riêng về sự chủ động, về khả năng tư duy, sáng tạo để giải quyết vấn đề, hoàn thành dự án của chính mình. Nhìn nỗ lực của các em, tôi tin tưởng vào sức mạnh của giáo dục đích thực. Tất cả học sinh đều có tiềm năng để phát triển và khẳng định năng lực xuất sắc, miễn là các em được hỗ trợ đúng cách. 

25 bạn nhỏ với 25 màu sắc khác nhau, đã cùng nhau tạo nên một đội quân chiến binh cầu vồng với tinh thần ham học, vượt lên hoàn cảnh khó khăn. Chính các em là minh chứng cho tinh thần “Dù bạn ở vạch xuất phát nào, dù bạn là ai, khi bạn có đủ niềm tin, bạn sẽ có những người dẫn đường, và bạn ơi, bạn không cần là chiến binh của ai cả, bạn chỉ cần là chiến binh của chính mình là đủ.” (trích Chiến binh cầu vồng, Andrea Hirata). 

Võ Trần Nguyệt Chinh – STEM Fellow khoá 2020 – 2022