Như phần lớn những người Việt Nam khác, tôi lớn lên ở một vùng quê nghèo, nơi quanh năm người ta chỉ nghĩ đến ăn dủ no, mặc đủ ấm, quần áo thì chỉ được mua sắm vào dịp tết và chi tiêu đáng lo nghĩ nhất vẫn là tiền học phí cho con. Tôi không rõ như thế là may mắn hay là bất hạnh, bởi dù đôi lúc tôi có những tiếc nuối, cũng tự nhủ những cái giá như rất thường tình như: giá như mình được lớn lên ở thành phố, được tiếp xúc với nền giáo dục tiên tiến, được học tiếng anh đàng hoàng,…blabla thì mình sẽ…blabla. Thế nhưng không thể phủ nhận rằng tôi đã có một tuổi thơ thú vị và tôi trưởng thành cũng không đến nỗi tệ. Một nhân tố tác động chính hình thành tôi của ngày hôm nay đó là mẹ tôi – người đưa đò đầu tiên của cuộc đời tôi. Mẹ tôi, một giáo viên tiểu học, một người phụ nữ truyền thống điển hình như bao người phụ nữ Việt Nam truyền thống khác – Cả cuộc đời chỉ nghĩ cho chồng cho con. Mẹ đã dạy tôi những bài học căn bản nhất của làm người, dạy tôi biết trung thực, biết trân trọng, bảo vệ gia đình, yêu thương mọi người, làm một người có ích và đóng góp cho cộng đồng xã hội. Bà cũng chính là hình ảnh người giáo viên đầu tiên mà tôi được biết.

Ngày còn bé tôi không bao giờ nghĩ rằng mình muốn làm nghề giáo hay lĩnh vực giáo dục. Đối với tôi lúc đó hình ảnh một người thầy gần nhất đó là mẹ tôi. Bà là giáo viên tiểu học với đồng lương chỉ đủ mua một lon sữa bột Liên Xô cho con. Thế nhưng tối nào sau khoảng 7 giờ bà cũng cặm cụi soạn bài đến 2-3 giờ sáng, viết tay cả mười mấy trang giáo án, rồi nào chấm bài học sinh, ra đề thi, làm sáng kiến kinh nghiệm,… cả một núi công việc chồng chất với thu nhập còm cõi như thế. Vậy mà bà vẫn kiên nhẫn theo nghề tới bây giờ, hết cả một đời người, bao nhiêu thế hệ học trò đã đi qua. Rất nhiều học trò của bà dù đã qua mười mấy năm vẫn tới nhà thăm vào những dịp như Tết.
Mẹ tôi là người sẵn sàng xách vài kg chuối, đi bộ 2-3 km chỉ vì hôm đó chợ bán chuối rẻ và bà biết những đứa con của bà thích ăn.

Tôi không phải là tuýp con gái truyền thống, vì vậy đối với tôi những ngày như 8/3, 20/10 là một cái gì đấy biểu hiện cho sự bất bình đẳng giới. Nó giống như phụ nữ chỉ được các anh xum xoe, xoa dịu vào vài ngày trong năm để rồi những ngày còn lại họ chịu tầng tầng lớp lớp của bất công định kiến từ những tư tưởng căn cơ cố hữu nhân danh truyền thống, thuần phong mỹ tục. Họ phải gồng mình lên để chứng tỏ bản thân, phù hợp với những danh hiệu hão huyền mà người ta đặt ra nhân danh tôn vinh phụ nữ. Thế nhưng vào những ngày này tôi vẫn mua hoa cho mẹ. Vì tôi biết rằng khác với tôi, mẹ tôi, một người phụ nữ truyền thống, vẫn rất hạnh phúc khi nhận được sự quan tâm trong những ngày đó. Tôi luôn cố gắng đấu tranh cho những gì mà tôi tin tưởng, sống theo những chuẩn mực mà tôi cho là đúng đắn, thế nhưng đối với mẹ thì có lẽ chẳng có quy tắc nào cả, chỉ có tình yêu thương vô hạn mà thôi.

Khi đã trưởng thành, tôi hiểu hơn từng hành động của mẹ và càng trân trọng hơn công việc của một nhà giáo. Tôi nhìn sâu hơn, bao quát hơn và nhận ra được tầm quan trọng của giáo dục đối với văn hóa, cuộc sống và vận mệnh của cả một cộng đồng, dân tộc. Tôi muốn được góp phần thúc đẩy cái yêu tố then chốt của cuộc cách mạng 4.0 – Giáo dục, và xây dựng một mô hình phù hợp hơn với Việt Nam.

Một nền giáo dục mà một đứa trẻ đến từ miền núi như tôi có thể có cơ hội được nhìn thấy thế giới ngoài kia chứ không chỉ cái xóm làng nhỏ bé quanh mình; được tiếp xúc với những nhân tố đầy sắc màu của cuộc sống như hội họa, âm nhạc hay thơ ca chứ không phải chỉ biết cặm cụi ôn Toán Lý Hóa để vào Đại học, để mong một tương lai tươi sáng hơn như tôi ngày xưa. Một nền giáo dục nơi những giáo viên tận tụy với nghề như mẹ tôi có thể nhận được một mức lương xứng đáng để họ có thể lo cho gia đình và tập trung cống hiến cho nghề thay vì phải vật lộn đến kiệt quệ giữa công cuộc mưu sinh và nỗ lực với nghề. Một nền giáo dục nơi trẻ em có thể có được cái nhìn toàn diện, các em có thể được bình đẳng tiếp cận với những cơ hội để trở thành một người “thành công” theo nhiều nghĩa chứ không chỉ là tìm được một công việc tốt, mua nhà, tậu xe. Mỗi ngày đi làm nhìn hình ảnh những em nhỏ đi bán vé số, đi xin tiền ở dọc các tuyến phố Sài Gòn khiến con tim và khối óc tôi nhức nhối. Các em quá nhỏ để biết được trong cuộc mưu sinh này chúng đã bỏ lỡ những gì. Người ta không biết mình vụt mất cơ hội khi mà họ còn chẳng biết có những cơ hội như thế tồn tại.

Con đường mục tiêu phía trước hãy còn dài và gian nan, nhưng tôi là con gái của mẹ tôi, sẽ chẳng ngại xách cân nặng hay đi bộ dài, chỉ cần suốt hành trình đó tôi vẫn mang trong mình con tim trong sáng và tình yêu thương vô hạn như mẹ vậy.

(Chia sẻ từ chị Nguyễn Mỹ Hạnh, chị đang làm việc tại một công ty chuyên về công nghệ và cũng là trợ giảng tại một trung tâm tiếng Anh).