Học tập thông qua dự án (Project-Based Learning – PBL) là một phương pháp giúp học sinh học, thông qua việc chủ động tham gia vào dự án, giải quyết vấn đề thực tế liên quan trực tiếp đến các em. Lớp học PBL lần này là sự hợp tác giữa TFV và Trường THCS Quế Minh. Lớp học trao quyền cho học sinh tìm hiểu các vấn đề về sân trường của chính các em và cất tiếng nói đề xuất giải pháp cho những vấn đề mà các em nhận thấy.
Cách đây vài năm, mình từng được trải nghiệm một chương trình học tập sử dụng phương pháp PBL. Trong chương trình, mình được tìm hiểu về các vấn đề giáo dục tại địa phương và xây dựng dự án nhằm góp phần giải quyết vấn đề đó. Quá trình làm dự án này là bước ngoặt thay đổi của mình, không chỉ về kiến thức, kỹ năng mà quan trọng hơn chính là động lực học tập, khi mình thấy được việc học của mình đang góp phần tạo ra sự thay đổi thực tế. Mình đã ấn tượng với PBL vì những mục tiêu học tập thiết thực mà phương pháp hướng đến nên đã tự tìm hiểu thêm và thực hành một số dự án sử dụng PBL, tuy nhiên còn nhiều điểm muốn làm mà chưa thực hiện được do nguồn lực hạn chế. Và rất may mắn sau một thời gian tự thực hành thì mình được gặp anh Khánh trong buổi training về PBL tại TFV. Anh Khánh là chuyên gia và cũng đang hứng thú với nghiên cứu về khả năng áp dụng PBL trong bối cảnh trường công lập Việt Nam. Vừa có sự hỗ trợ của anh Khánh cũng với chị Thảo là quản lý chuyên môn, vừa có nguồn lực từ TFV và sự ủng hộ của nhà trường, tất cả đã tạo cơ hội cho mình được thực hiện PBL một cách chuyên nghiệp, quy mô và hiệu quả hơn. Về góc độ là Nhà Giáo dục tiên phong tham gia giảng dạy chương trình Tiếng Anh, đây cũng là cơ hội tốt để mình thử nghiệm phương pháp PBL và đánh giá mức độ hiệu quả của phương pháp này trong việc áp dụng nó cho chương trình năm sau.
Ở lớp học PBL, 25 học sinh khối 6 & 7 được học về STEM, Tiếng Anh và kỹ năng thế kỷ 21 nhằm giải quyết các vấn đề thực tế của sân trường nơi các em học tập. Mình đã đi qua rất nhiều ngạc nhiên và ngỡ ngàng khi quan sát các bạn nhỏ trong lớp học tập, hợp tác và giải quyết vấn đề. Có một bạn nhỏ thường mất tập trung và làm việc riêng trong lớp Tiếng Anh, nhưng khi được định hướng về tư duy giải quyết vấn đề và bên cạnh đó là không còn rào cản của ngôn ngữ thứ hai, bạn đã đưa ra được những nhận định sắc bén khi học về tư duy phản biện (critical thinking). Một bạn nhỏ khác trong lớp học Tiếng Anh còn trầm lắng và ít bộc lộ, nhưng bạn đã vô cùng sáng tạo và tập trung khi thực hiện mô hình trường học. Lần đầu tiên, sau cả một học kỳ dài đồng hành với các bạn, mình mới được nhìn những nét khác ở học trò khi các bạn được trao quyền, tin tưởng, hỗ trợ tối đa và đặc biệt là có những cơ hội làm những điều các bạn yêu thích. Trải nghiệm này khiến mình càng tin tưởng hơn vào phương pháp tiếp cận tích hợp liên môn. Nó nhắc nhở mình rằng mỗi đứa trẻ là một mảnh ghép đặc biệt. Mình muốn tiếp tục nghiên cứu và thực hành PBL cùng các phương pháp khác để giúp học sinh tìm ra thế mạnh của các em, học nuôi dưỡng những điều đó, tin vào bản thân và tìm được niềm vui trong hành trình học tập và phát triển.
THCS Quế Minh là một trong các trường hợp tác với TFV tổ chức chương trình ngoại khóa tiếng Anh trong năm học vừa rồi. Thầy hiệu trưởng từng là giáo viên tiếng Anh và thầy có từng chia sẻ với mình về mong muốn nhìn thấy các em học sinh được trải nghiệm các phương pháp học dựa vào trải nghiệm, dự án. Với mong muốn ấy, ngay khi tụi mình chia sẻ về dự định mở lớp học dựa trên việc làm dự án, thầy đã rất ủng hộ và nhiệt tình hỗ trợ tụi mình. Cụ thể, dự án đã được trường THCS Quế Minh và TFV tài trợ tối đa 10.000.000 VNĐ. Mình nghĩ rằng mong muốn của thầy – người lãnh đạo nhà trường chính là yếu tố quan trọng nhất giúp dự án này trở thành hiện thực. Dự án thực hiện ở trường Quế Minh cũng là một thuận lợi đối với mình, bởi hiện mình đang là giáo viên Tiếng Anh tại trường trong năm học vừa qua, có thời gian và kinh nghiệm giảng dạy, kết nối với học sinh và đặc biệt là nắm rõ bối cảnh của nhà trường.
Đồng hành cùng mình thực hiện PBL là anh Bùi Nguyên Khánh. Anh Khánh là cố vấn chương trình Tiếng Anh của TFV. Được tham gia các buổi tập huấn của anh Khánh, mình thấy ngưỡng mộ vì sự hiểu biết sâu rộng, kinh nghiệm đa dạng và cả thành tựu đáng nể của anh. Vì vậy, khi anh Khánh đề xuất cùng thực hiện PBL, mình thấy háo hức lắm. Nhưng cùng lúc đó, mình cũng lo lắng vì bản thân còn ít kinh nghiệm và nhiều điều cần học hỏi, còn nhỏ bé so với anh.
Dù làm việc với anh Khánh trong dự án PBL có một tháng thôi nhưng mình đã học được rất nhiều từ kiến thức chuyên môn cho đến thái độ làm việc. Điều mình ấn tượng nhất là sự khiêm tốn, cởi mở với các góp ý của anh Khánh. Sau mỗi buổi dạy, khi 5 giáo viên Tiếng Anh và STEM cùng ngồi lại chiêm nghiệm về buổi dạy của anh Khánh và mình, anh Khánh đều chủ động hỏi phản hồi của team và cởi mở thảo luận về những vấn đề được đặt ra.
Điều ấn tượng thứ hai của mình về anh Khánh là sự tâm huyết của anh đối với việc giảng dạy. Mình nhớ sau một buổi dạy nhận được khá nhiều phản hồi về những điều lớp học cần cải thiện, anh Khánh có nói với mình về việc anh trăn trở về những phản hồi ấy như nào. Điều đó khiến mình tự nhắc lại rằng hành trình làm giáo dục là hành trình học tập cả đời và mình cần làm việc một cách nghiêm túc từ những điều nhỏ nhất.
Mình muốn gửi lời cảm ơn anh Khánh và chị Thảo – Chuyên viên quản lý chuyên môn của team Tiếng Anh. Hai anh chị là những người đã đi cùng mình trong suốt thời gian thực hiện PBL. Mình cũng muốn cảm ơn học trò và các thầy cô đã sát cánh cùng TFV trong dự án này. Sau tất cả, mình biết ơn vì đã có cơ hội được học nhiều điều quý giá. Chúng chính là những hành trang có-một- không-hai trên hành trình 2 năm giảng dạy và hoạt động cộng đồng của mình ở mảnh đất Quế Sơn.
Xem video tổng kết dự án tại đây.
(Nguyễn Anh Phương – Nhà Giáo dục tiên phong – Khoá 5)