Theo cập nhật thông tin của Bộ từ các sở GD-ĐT, tính đến ngày 8.10, cả nước có 23 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tiếp; 9 tỉnh, thành phố kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình; 31 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình. Như vậy, so với đầu năm học và 2 tuần trước, số địa phương cho học sinh (HS) đến trường giảm 2 tỉnh, thành; có thêm 6 địa phương tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình. Với học sinh phổ thông, hình thức học tập ưu tiên vẫn là học trực tiếp. Điều đó có nghĩa là, học tập trực tiếp mang lại hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, trước tình hình đại dịch, hầu hết trường học trên thế giới đều lần lượt bị đóng cửa, nguy cơ thất học hiển hiện trước mắt và để đảm bảo an toàn về sức khỏe, sinh mạng lẫn duy trì việc học thì học tập từ xa, học tập trực tuyến là lựa chọn phù hợp. Nếu không học trực tuyến, trẻ phải gián đoạn việc học. Việc dừng học được UNESCO khuyến cáo: một tháng dừng học thì việc bù đắp sẽ tốn gấp đôi thời gian. Lý do: khi trẻ ngừng học thì kiến thức, kỹ năng không đứng yên mà sẽ bị mai một, khi quay lại học tập, thì cần thời gian bù đắp cả cái cũ và học cái mới để bắt kịp bạn bè.
NHỮNG THÁCH THỨC CHO BẤT CỨ AI
Chuyển đổi sang hình thức học tập mới chắc chắn là thách thức cho bất cứ ai và nhiều người sẽ có khuynh hướng từ chối. Về phía các cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường, từ cấp quản lý đến giáo viên buộc phải tìm hiểu mô hình học tập từ xa, học tập trực tuyến bao gồm những thành phần nào, cách thức vận hành từng thành phần ra sao, cách thức triển khai, các đối tượng tham gia, hệ thống hạ tầng…để từ đó đưa ra các chính sách, hướng dẫn phù hợp cho giáo viên, phụ huynh, học sinh. Ngoài ra, dưới góc độ quản lý, đảm bảo chất lượng đồng đều cho một hệ thống là rất thách thức.
Về phía giáo viên, họ cần trang bị lại khoa học sư phạm về dạy học từ xa, dạy học trực tuyến để đảm bảo mục tiêu dạy học, duy trì hứng thú cho học sinh; các kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và kỹ thuật số để thiết kế bài giảng. Với một số giáo viên trẻ hoặc có nền tảng kỹ năng ứng dụng công nghệ tốt, họ sẽ đỡ lúng túng và đỡ mất thời gian. Tuy nhiên, với nhiều giáo viên nông thôn, vùng sâu vùng xa vốn dĩ rất hạn chế tiếp xúc với công nghệ thì thách thức này quá lớn.
Thách thức về các kỹ năng công nghệ cũng diễn ra với phụ huynh và học sinh. Học tập từ xa, trực tuyến diễn ra tại nhà nên bắt buộc phụ huynh phải giám sát và hỗ trợ con, đặc biệt là với học sinh lớp 1, 2 thì phụ huynh gần như phải ngồi cạnh bên khi con học. Do đó, áp lực thời gian, áp lực cân bằng giữa công việc với việc hỗ trợ con học tập có thể khiến cha mẹ ‘bùng nổ’. Chưa kể, với nhiều gia đình, đầu tư thiết bị học tập từ xa, trực tuyến là số tiền quá lớn.
Với trẻ nhỏ, ngồi trước màn hình, không được thao tác trực tiếp, đi tới đi lui như trong lớp học thật, không tương tác liên tục với giáo viên và bạn bè thì cũng khó để trẻ tập trung. Chưa kể, nhiều trường đưa ra thời khóa biểu học trực tuyến quá dài gây ảnh hưởng mắt, cột sống và các yếu tố sức khỏe khác của trẻ. Học tập trực tuyến đòi hỏi trẻ phải có kỹ năng tự học bao gồm tự quản lý thời gian, lập kế hoạch, hoàn thành các nhiệm vụ, tự kiểm tra, đánh giá việc học của bản thân. Với nhiều trẻ, các kỹ năng này chưa được hình thành nên việc học có thể không đạt hiệu quả như mong muốn.
THÁCH THỨC CŨNG LÀ CƠ HỘI
Học tập từ xa, học tập trực tuyến sẽ là xu hướng trong thế kỷ 21, bất kể đại dịch. Đại dịch Covid-19 khiến nhân loại phải thích nghi với hình thức học tập này nhanh hơn và nhiều hơn để khai thác nguồn tri thức tăng lên theo cấp số nhân hàng ngày hàng giờ. Trẻ em hiện nay đang sống trong thời kỳ số, việc học có thể diễn ra mọi lúc, mọi nơi, bằng nhiều con đường, không phải chỉ duy nhất từ giáo viên như trước kia. Do đó, nếu tận dụng được các ưu thế của học tập trực tuyến, trẻ sẽ có kỹ năng học tập suốt đời. Trẻ ở các quốc gia đang phát triển và chậm phát triển có thể tham gia các chương trình học phổ thông quốc tế trực tuyến, rất nhiều trong số đó là miễn phí. Nguồn tài nguyên khổng lồ bằng nhiều ngôn ngữ sẽ cung cấp cơ hội mở rộng hiểu biết cho trẻ.
Với các cấp quản lý, đây là cơ hội chuyển đổi việc quản lý từ văn bản giấy sang các phần mềm, ứng dụng thuận lợi, nhanh chóng, tiết kiệm chi phí, công sức, việc đi lại. Các cuộc họp có thể chuyển sang trực tuyến dễ dàng.
Với giáo viên, đây vừa là cơ hội để phát triển các kỹ năng số và học cách triển khai giảng dạy theo hình thức mới, đảm bảo tốt hơn sự thích nghi của họ trong tương lai với những biến động của thế giới.
Với phụ huynh, chính học tập trực tuyến cho phép họ giám sát việc học của con dễ dàng hơn và hiểu việc dạy của giáo viên, việc học của con. Ngoài ra, quan sát con trong giờ học trực tuyến, cách con tham gia bài học, giao tiếp với thầy cô, bạn bè…phụ huynh có thể nhận ra nhiều khía cạnh khác trong nhân cách của con mà trước nay vốn không biết vì việc học diễn ra ở trường là chủ yếu.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ BIẾN THÁCH THỨC THÀNH CƠ HỘI?
Trước hết, chúng ta đồng ý với nhau rằng chúng ta buộc phải chọn học tập từ xa, học tập trực tuyến nếu muốn duy trì việc học cho trẻ. Do đó, trước các khó khăn, các cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường, giáo viên, phụ huynh phải cùng nhau tháo gỡ để mang lại hiệu quả học tập tốt nhất cho trẻ.
Các cơ quan quản lý cần ban hành các văn bản hướng dẫn, các chủ trương khoa học về mặt sư phạm, hỗ trợ về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin cho các trường học, giáo viên, phụ huynh, đặc biệt là ở các khu vực khó khăn. Các cơ quan quản lý cũng nên học tập các nước đã đi qua đại dịch ở việc ưu tiên cho học sinh mầm non, tiểu học đi học trước bằng cách bố trí lệch giờ học, tách biệt giữa các lớp…hoặc ít nhất, ưu tiên con của những người phải đi chống dịch được đến trường và được giáo viên quản lý, chăm sóc.
Với nhà trường, cần tập huấn cho giáo viên về sư phạm trong dạy học online, huy động các tổ chức xã hội và phụ huynh chung tay để tạo ra các thư viện máy tính, thiết bị học tập trực tuyến để hỗ trợ cho các học sinh không có điều kiện học tập.
Về giáo viên, cần nhất là tư duy cởi mở, sẵn sàng học tập cái mới, tiếp đó là sự nỗ lực trong việc chuẩn bị bài giảng mới, tận dụng ưu điểm của công nghệ thông tin, giảm bớt thời gian gặp trực tiếp học sinh nhưng vẫn đảm bảo các mục tiêu và nội dung học tập cốt lõi. Giáo viên cũng nên sẵn lòng sắp xếp hỗ trợ, phụ đạo cho học sinh chưa theo kịp bài vở. Có trường hợp học sinh không có thiết bị học vì cha mẹ cầm đi làm thì giáo viên có thể đề xuất phụ đạo riêng 15, 20 phút cá nhân vào cuối ngày cho cá nhân hoặc nhóm nhỏ học sinh. Việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phải tiến hành linh hoạt, không áp lực cho giáo viên lẫn học sinh. Giáo viên chú ý quan sát, đặt câu hỏi để kiểm tra học sinh ngay trong các buổi gặp trực tuyến, hoặc cho phép học sinh nộp bài làm bằng nhiều cách thức khác nhau.
Như đã nói ở trên, việc học từ xa, trực tuyến nhằm mục đích duy trì việc học của trẻ, không chỉ về kiến thức, kỹ năng và còn là thói quen học tập, sự tương tác xã hội với thầy cô, bạn bè, do đó, phụ huynh nên ủng hộ và hỗ trợ việc học trực tuyến, học tập từ xa của con. Chúng ta cần xác định rõ: chúng ta không có quyền chọn cái tốt nhất mà chỉ có thể chọn cái ít tốt bằng. Như vậy, phụ huynh nên giảm bớt sự kỳ vọng về hiệu quả tương đương học tập trực tiếp của học tập từ xa, trực tuyến.
Bản chất của trực tuyến là sự linh hoạt về thời gian, không gian học tập, do đó, ngoài giờ trực tuyến gặp gỡ thầy cô, phụ huynh có thể cho phép con chọn giờ tự học phù hợp lịch sinh hoạt của gia đình, với học sinh tiểu học, có thể vào giờ mà cả cha mẹ đều có thể học cùng con. Phụ huynh cũng lưu ý rằng, trách nhiệm giảng dạy chuyên môn vẫn là giáo viên, do đó, nếu lúng túng về nội dung học thuật, phụ huynh nên liên hệ với giáo viên để được trợ giúp. Trách nhiệm chính của phụ huynh là tạo không gian, thời gian thuận lợi, động viên, khuyến khích và giám sát con duy trì việc học đều đặn.
Đại dịch Covid-19 là điều không mong muốn. Tương lai, nhân loại có thể đối diện với nhiều sự kiện không mong muốn khác, đòi hỏi sự thích nghi và điều chỉnh hoạt động sống để tồn tại và phát triển. Đứng trước những vấn đề toàn cầu, sự tham gia giải quyết của tất cả các nhóm đối tượng là cần thiết, điển hình như việc chuyển đổi từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến, cũng cần sự phối hợp đồng bộ của nhà trường, gia đình và học sinh.
TS. Nguyễn Thị Thu Huyền- Giám đốc chương trình
—-
Tham khảo:
http://gaml.uis.unesco.org/wp-content/uploads/sites/2/2021/03/UIS_COVID-19-interruptions-to-learning_EN.pdf