Sau 2 năm tại TFV, Hân “rẽ” ngoặt vào con đường mới, quay trở lại giảng đường để học tập và nâng cao kiến thức ở một lĩnh vực bản thân chưa từng có nền tảng và khái niệm – Chương trình Thạc sĩ Chính sách công tại Fulbright. 

Mình là một học sinh chuyên sinh hồi cấp 3, nghĩa là, kể từ những năm đầu tuổi trẻ, mình đã chọn lựa khoa học tự nhiên là con đường và thiên hướng phát triển cho bản thân. Tại chương trình đại học, mình theo đuổi ngành Khoa học Môi trường – 4 năm này khá dễ dàng với mình khi đã có nền tảng vững vàng từ phổ thông. Thời điểm tốt nghiệp đại học đầy hoang mang như bao người trẻ khác, mình loay hoay giữa lựa chọn công việc hay học lên tiếp. Rồi mình thấy TFV, apply và đậu, mình trở thành một giáo viên dạy STEM. Công việc đầu tiên đến với mình một cách tự nhiên như vậy. 

Ở TFV, mình khám phá nhiều những ý niệm mới, từ việc bắt đầu cảm nhận rõ hơn về thế hệ trẻ, những gen Z thực thụ, tới việc hiểu hơn những cơ hội và khó khăn của hệ thống giáo dục công. Ở vai trò là một học sinh, sinh ra và lớn lên ở thành phố, mình lần đầu tiên biết được giáo dục ở nông thôn khác biệt thế nào, lần đầu tiên hiểu được thế nào là bất bình đẳng giáo dục, lần đầu tiên hiểu được câu chuyện “cơm áo gạo tiền” to lớn tới đâu. Đi từ Tây Ninh đến Quảng Nam, ghé qua Bến Tre một chút, hiểu thêm câu chuyện vùng miền. Từ làm việc với học sinh, đến giáo viên, ban giám hiệu nhà trường rồi sau đó là các bên liên quan khác như phòng giáo dục, sở giáo dục, thành đoàn, tỉnh đoàn, sở khoa học công nghệ… Tự nhiên mình nhận ra mình còn cần trau dồi thật nhiều nữa, không phải ở kiến thức chuyên môn, mà ở mặt hiểu biết về chính xã hội mình đang sống. Mình tâm niệm rằng, thiếu gì thì học nấy mà bổ sung, vậy nên quyết định đi học tiếp sau hành trình với TFV là thực sự đúng thời điểm.

Mình vẫn nhớ như in bài học đầu tiên ở Fulbright về sự cân bằng giữa công bằng và khả thi. Những khái niệm khoa học xã hội mơ hồ hơn trong khoa học tự nhiên nhiều, nhưng cũng “chạm” tới cuộc sống thực hơn. Từ một cô gái nhỏ mơ màng về thế giới, mình tìm hiểu về hệ thống chính trị Việt Nam, từ bộ máy chính quyền đến cơ chế vận hành, và những vấn đề nan giải trong quản lý công. Đó là những bài học để “vỡ oà”, để mình khẳng định lại một lần nữa quyết định dừng hết lại để đi học là đúng đắn nhường nào. Gần một năm trôi qua, các môn học cũng đang hết dần và luận văn mở ra. Giữa hàng tá những chọn lựa và ý tưởng, mình đã vấn quyết tâm làm đề tài liên quan đến giáo dục. Thì ra, “tình đầu” là như thế, là một sự kết nối mà vui hay buồn thì vẫn luôn đọng trong ký ức. Và dù chưa biết con đường phía trước sẽ thế nào, nhưng mình dám chắc con đường đến với giáo dục của mình chưa hề kết thúc.

Đặng Bùi Ngọc Hân – STEM Fellow Khoá 2018 – 2020